BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 51, THÁNG 10 NĂM 2022
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK Vietnam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 51 của Tháng 10 năm 2022 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Đẩy mạnh việc quản lý ngoại hối đối với việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là “NHNN”) vừa ban hành Thông tư số 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là “Thông tư”). Trong Thông tư, một số quy định nổi bật đã được nêu lên:
(i) Các khoản vay phải thực hiện đăng ký với NHNN (Điều 11 Thông tư):
- Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
(ii) Các trường hợp bên đi vay không phải đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài (Điều 17 Thông tư). Theo đó, trong trường hợp có bất kỳ thay đổi nào về những nội dung liên quan đến khoản vay được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của NHNN, bên đi vay có trách nhiệm thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với NHNN, ngoại trừ các trường hợp sau:
- Thay đổi về thời gian rút vốn, trả nợ gốc trong phạm vi 10 ngày làm việc so với kế hoạch đã được NHNN xác nhận;
- Thay đổi về địa chỉ của bên đi vay nhưng không thay đổi tỉnh, thành phố nơi bên đi vay đặt trụ sở chính;
- Thay đổi bên cho vay, các thông tin liên quan về bên cho vay trong khoản vay hợp vốn có chỉ định đại diện các bên cho vay, trừ trường hợp bên cho vay đồng thời là đại diện các bên cho vay trong khoản vay hợp vốn và việc thay đổi bên cho vay làm thay đổi vai trò đại diện các bên cho vay;
- Thay đổi tên giao dịch thương mại của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản, ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm;
- Thay đổi kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay nước ngoài so với kế hoạch đã được NHNN xác nhận tại văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài nhưng không thay đổi cách xác định lãi, phí quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài;
- Thay đổi (tăng hoặc giảm) số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi 100 đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước ngoài so với số tiền đã nêu trong văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài;
- Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được nêu tại kế hoạch rút vốn, trả nợ trên văn bản xác nhận đăng ký hoặc văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2022.
2. Tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ tác quyền đối với dịch vụ phát thanh và truyền hình
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sau đây gọi tắt là “Nghị định”). Theo đó, bổ sung các quy định về bản quyền đối với nội dung trên dịch vụ phát thanh và truyền hình.
(i) Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu được tiếp phát, truyền tải nguyên vẹn trên dịch vụ phát thanh, truyền hình cần được thông qua thỏa thuận giữa cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ.
(ii) Các nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu, nội dung của dịch vụ giá trị gia tăng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bản quyền như sau:
- Có văn bản chứng minh bản quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Bảo đảm tính nguyên vẹn của chương trình, phim đã được phát trên kênh, bao gồm cả tên, biểu tượng (logo) của kênh chương trình;
- Bảo đảm tuân thủ hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận bản quyền; tính nguyên vẹn của nội dung chương trình sau khi được biên tập, phân loại như sau:
• Đối với chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: Phải được cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ;
• Đối với phim: Trước khi cung cấp trên dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;
• Đối với chương trình thể thao, giải trí: Phải được biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Đơn vị cung cấp dịch vụ căn cứ nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan để thực hiện hoạt động biên tập, phân loại.
Nghị định có hiệu lực thi thành từ ngày 1/1/2023.
3. Kết thúc thời gian hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP
Trước đó, vào ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là “Nghị quyết”). Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (“BHTN”).
Cụ thể, điều kiện để được hưởng sự hỗ trợ trên là người sử dụng lao động (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia BHTN trước ngày 01/10/2021 và thời gian hưởng mức hỗ trợ từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022.
Như vậy, kể từ ngày 01/10/2022, đã hết thời gian hỗ trợ giảm mức đóng BHTN. Mức đóng BHTN của người sử dụng lao động sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN trong đơn vị.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./.
Tải bản đầy đủ