BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 61, THÁNG 04 NĂM 2024
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK Vietnam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 61 của Tháng 4 năm 2024 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
-
Thêm nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao
Vào ngày 01/02/2024, Chính Phủ đã ban hành Nghị Định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao (sau đây gọi tắt là “Nghị Định 10/2024/NĐ-CP”). Theo đó, Nghị Định 10/2024/NĐ-CP đã đưa ra các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp có hoạt động tại khu công nghệ cao. Một số ưu đãi cụ thể bao gồm:
-
Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
-
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng được hưởng các ưu đãi về miễn tiền thuê đất, tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoàn trả theo quy định về thu tiền thuê đất trong khu công nghệ cao.
-
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, thực hiện các hình thức huy động vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan
Nghị Định 10/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/03/2024.
-
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030
Vào ngày 1/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 262/QĐ-TTg 2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau dây gọi tắt là “Quyết định 262/QĐ-TTg 2024”).
Theo đó, các dự án nguồn điện quan trọng, được ưu tiên đầu tư của ngành đến năm 2030 sẽ căn cứ vào tiểu mục 1 của Mục II trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có tầm nhìn đến năm 2050, được ban hành kèm theo Quyết định số 262/QĐ-TTg năm 2024, bao gồm:
-
Các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư:
-
Tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW;
-
Tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW;
-
Tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW;
-
Tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW;
-
Tổng công suất thủy điện là 29.346 MW;
-
Tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW.
-
Các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo:
-
Tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW;
-
Tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW;
-
Tổng công suất thủy điện là 29.346 MW;
-
Tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW;
-
Tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW;
-
Tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW;
-
Tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW.
Quyết định 262/QĐ-TTg 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (1/4/2024).
-
Quy định về ưu đãi lựa chọn nhà đầu tư
Vào ngày 27/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực (sau đây gọi là “Nghị Định 23/2024/NĐ-CP”). Theo đó, Nghị Định 23/2024/NĐ-CP có thêm những quy định mới đáng chú ý như sau:
-
Phạm vi điều chỉnh:
Nghị Định 23/2024/NĐ-CP quy định 15 lĩnh vực và các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật ngành, bao gồm các lĩnh vực như giao thông vận tải, cấp nước, kinh doanh đặt cược, nhà ở, xã hội hóa y tế, giáo dục,…
Hơn nữa, các dự án nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị Định 23/2024/NĐ-CP phải đáp ứng hai điều kiện sau:
-
Thuộc trường hợp thu hồi đất: Trong trường hợp dự án được thực hiện trên khu đất có phần đất do Nhà nước quản lý, Nhà nước sẽ thu hồi toàn bộ diện tích dự án, bao gồm cả diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc phạm vi dự án.
-
Không đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất: Không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, không thuộc diện đấu giá tài sản công theo quy định của pháp luật về đất đai, quản lý và sử dụng tài sản công.
-
Trình tự, thủ tục:
Nghị định 23/2024/NĐ-CP cung cấp các quy định chi tiết về trình tự và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư từ việc công bố dự án, tổ chức đấu thầu đến giai đoạn ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện dự án.
Quy trình công bố dự án được thực hiện đồng bộ với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư, đây là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc lập hồ sơ mời quan tâm và hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư được quy định chi tiết dưới các hình thức đấu thầu, bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và hai túi hồ sơ.
-
Phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp với từng ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh:
Theo Luật Đấu thầu, quy định hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được đánh giá theo phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, thông qua các tiêu chuẩn về:
-
Phương án đầu tư kinh doanh;
-
Hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.
Theo đó, nhà đầu tư đáp ứng điểm tối thiểu của từng tiêu chuẩn, tiêu chí và có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.
Nghị Định 23/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký (27/02/2024).
Chúng tôi hy vọng rằng Bản tin Pháp Luật này có nhiều thông tin hữu ích.
Trân trọng./.