BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02
THÁNG 5, 2021
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
Công ty Luật ADK Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị bản Bản Tin Pháp Luật Việt Nam Số 02 (Tháng 05/2021) với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý như sau:
1. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo
Trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 29/03/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
1.1. Đối tượng áp dụng:
a. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo ở Việt Nam và ở nước ngoài;
b. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam;
c. Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
1.2. Các hình thức xử phạt
a. Hình thức xử phạt chính: cảnh cáo; phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn;
b. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
Ngoài ra còn có các biện pháp khắc phục hậu quả, tương ứng với từng hành vi vi phạm.
1.3. Quy định chung về mức phạt tiền
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có các mức phạt khác nhau.
1.4. Một số hành vi vi phạm cần đặc biệt lưu ý
a. Về lĩnh vực văn hóa
• Biểu diễn nghệ thuật: thực hiện hành vi không phù hợp với văn hóa truyền thống, lứa tuổi, giới tính theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
• Hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu: không có văn bản chấp thuận bị áp dụng mức phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
• Về tổ chức lễ hội có một trong các hành vi: thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng;
• Bán vé, thu tiền tham dự lễ hội, không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
• Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi; kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 24 giờ mỗi ngày; sửa chữa, tẩy xóa hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
b. Về lĩnh vực quảng cáo
• Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: quảng cáo thuốc lá, quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác...
• Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng (trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 8 điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP).
2. Các quy định đối với trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm
Nghị định số 23/2021/NĐ-CP được Chính Phủ ban hành ngày 19/03/2021 hướng dẫn Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, có hiệu lực từ ngày 01/06/2021.
2.1. Đối tượng áp dụng
a. Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập;
b. Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập;
c. Trung tâm dịch vụ việc làm do người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương quyết định thành lập.
d. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật Việc làm.
e. Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan trực tiếp.
2.2. Điều kiện thành lập và cấp giấy phép
a. Điều kiện thành lập
• Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm;
• Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
• Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới);
• Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành;
• Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức;
• Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.
b. Điều kiện cấp giấy phép
• Có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 03 năm (36 tháng) trở lên;
• Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300.000.000 đồng;
• Điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm.
2.3. Các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động
Theo đó, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm trong các trường hợp:
a. Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp;
b. Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;
c. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
d. Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;
e. Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 03 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt;
f. Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp;
g. Không đảm bảo một trong các điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm;
h. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Lao động 2019.
Chúng tôi hy vọng bạn thấy bản cập nhật pháp lý ngắn gọn này có nhiều thông tin hữu ích.
Trân trọng.
Tải bản đầy đủ.