BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 03
THÁNG 6, 2021
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
Công ty Luật ADK Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 03 (Tháng 06/2021) với các quy định pháp luật mới có hiệu lực từ ngày 01/06/2021 với nội dung đáng chú ý như sau:
1. Miễn Lệ Phí Cấp Hộ Chiếu từ ngày 22 tháng 5 năm 2021 theo Thông tư 25/2021/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Theo đó, 03 trường hợp sau được miễn lệ phí cấp hộ chiếu, bao gồm:
(i) Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu;
(ii) Người Việt Nam ở nước ngoài phải về theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu;
(iii) Những trường hợp vì lý do nhân đạo.
Tổ chức thu lệ phí phải đóng dấu “Miễn thu lệ phí” (GRATIS) vào giấy tờ đã cấp.
2. Các Trường Hợp Thu Hồi Giấy Phép của Doanh Nghiệp Dịch Vụ Việc Làm
Theo quy định tại Nghị định 23/2021/NĐ-CP của Chính Phủ hướng dẫn Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.
Doanh Nghiệp Dịch Vụ Việc Làm bị thu hồi và không được gia hạn giấy phép hoạt động trong các trường hợp sau:
(i) Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp;
(ii) Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;
(iii) Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
(iv) Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;
(v) Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 03 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt;
(vi) Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp;
(vii) Không đảm bảo một trong các điều kiện quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động;
(viii) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Lao động năm 2019.
3. Vi Phạm Thời Lượng Phát Sóng Quảng Cáo
Vào ngày 29 tháng 3 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực 01 tháng 6 năm 2021.
Trong đó, đối với hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình tổ chức có thể bị phạt lên đến 100.000.000 đồng đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với một trong các hành vi sau đây:
(i) Quảng cáo vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng không phải là kênh, chương trình chuyên quảng cáo;
(ii) Quảng cáo trong chương trình thời sự;
(iii) Quảng cáo trong chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc;
(iv) Quảng cáo quá hai lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình;
(v) Quảng cáo quá bốn lần trong mỗi chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;
(vi) Quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện, chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;
(vii) Quảng cáo trên truyền hình trả tiền quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng không phải là kênh, chương trình chuyên quảng cáo;
(viii) Chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.
4. Nguyên Tắc Xử Lý Tổn Thất Tài Sản Của Ngân Hàng Phát Triển Việt Nam
Bắt đầu từ ngày 01 tháng 6 năm 2021, Nghị định 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam có hiệu lực và áp dụng từ năm tài chính 2021.
Trong đó, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động, gồm
(i) Quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối kết quả tài chính, thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
(ii) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.
(iii) Hạch toán vào chi phí hoạt động các khoản trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan.
(iv) Mua lại, hoán đổi các giấy tờ có giá do Ngân hàng Phát triển phát hành theo quy định của pháp luật.
(v) Xử lý tổn thất về tài sản theo quy định tại Nghị định này.
(vi) Thực hiện các biện pháp khác về bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật.
Khi bị tổn thất về tài sản, Ngân hàng Phát triển xác định mức độ, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý theo nguyên tắc sau:
(i) Nếu do nguyên nhân chủ quan thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Phát triển quy định cụ thể việc bồi thường và quyết định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
(ii) Nếu tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
(iii) Sử dụng các khoản dự phòng được trích lập trong chi phí để bù đắp theo quy định của pháp luật.
(iv) Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng được trích trong chi phí, nếu thiếu được bù đắp bằng Quỹ dự phòng tài chính. Trường hợp Quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp, phần thiếu được hạch toán vào chi phí hoạt động khác trong kỳ.
5. Cá nhân được tra cứu thông tin BHXH của người khác nếu được sự đồng ý của họ
Vào ngày 31 tháng 3 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2021.
Theo đó, từ cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm thì ngoài các cơ quan có thẩm quyền được tiếp cận khai thác phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước theo thẩm quyền, thì tổ chức, cá nhân được phép khai tác và sử dụng thông tin của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định pháp luật, theo nguyên tắc:
(i) Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm.
(ii) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phục vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, việc làm và an sinh xã hội.
(iii) Bộ Y tế để phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế bao gồm cả các thông tin, dữ liệu về bảo hiểm y tế.
(iv) Văn phòng Chính phủ để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(v) Bộ Thông tin và Truyền thông khai thác, sử dụng dữ liệu để kết hợp với các nguồn dữ liệu khác tạo ra các thông tin gia tăng phục vụ mục đích tham mưu, hỗ trợ ban hành chính sách trong Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
(vi) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
(vii) Các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
(viii) Cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi hy vọng bạn thấy bản cập nhật pháp lý ngắn gọn này có nhiều thông tin hữu ích.
Trân trọng.
Tài liệu này chỉ được chuẩn bị cho mục đích cung cấp thông tin chung và không tuyên bố hay bảo đảm, rõ ràng hay ngụ ý, về tính chính xác, kịp thời hoặc đầy đủ của thông tin đó. Bản cập nhật pháp lý này không nhằm mục đích dựa vào tư vấn kế toán, thuế, pháp lý hoặc chuyên môn khác.
Nếu bạn có hoặc nghi ngờ rằng bạn có thể có một vấn đề cụ thể, bạn nên liên hệ với chúng tôi hoặc luật sư của bạn để được tư vấn cụ thể về vấn đề đó.
CÔNG TY LUẬT TNHH ADK & CO VIỆT NAM LAWYERS
Địa chỉ: Tầng trệt, Tòa nhà HBT, 456-458 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Hotline: (+84) 28 66 79 79 66
Email: info@adk-lawyers.com
Website: www.adk-lawyers.com