BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 05
THÁNG 6, 2021
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị bản Bản Tin Pháp Luật Việt Nam Số 05 (Tháng 06/2021) với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý như sau:
1. Cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn được tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội
Vào ngày 19/6/2021, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (UBND TPHCM) đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND (“Chỉ thị số 10”) và được hướng dẫn bởi Công văn số 3786/SYT-NVY ngày 20/6/2021 của Sở Y tế TPHCM (“Công văn số 3786”) về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM kể từ tối ngày 19/6/2021 đến hết ngày 29/6/2021.
Chỉ thị số 10 có quy định về việc các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn được hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội nhưng phải (a) đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5 mét; (b) mang khẩu trang tại nơi làm việc; (c) thực hiện khử trùng, diệt khuẩn; (d) đảm bảo không gian thông thoáng. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, cơ sở mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.
Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo hướng dẫn tại Công văn số 3786/SYT-NVY ngày 20 tháng 6 năm 2021 của Sở Y Tế TPHCM (“Công Văn 3786/SYT-NVY”) bao gồm:
(i) Các cơ sở kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu, ...);
(ii) Cơ sở khám, chữa bệnh (trừ các phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ, các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa); kinh doanh dược và quốc phòng, an ninh;
(iii) Công trình giao thông, xây dựng;
(iv) Ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, kho bạc và hỗ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất - nhập khẩu hàng hóa;
(v) Dịch vụ tang lễ. thu gom xử lý chất thải, vệ sinh môi trường;
(vi) Các cửa hàng tiện ích, khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các siêu thị và các chợ truyền thống;
(vii) Dịch vụ vận tải chuyên chở hàng hóa, hàng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh;
(viii) Dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa cho xuất khẩu;
(ix) Dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống;
(x) Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyển;
(xi) Đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động nhưng không được mở cửa hàng mà chỉ bán hàng thông qua giao hàng trực tiếp cho khách hàng tại công trường, trang trại, nơi sản xuất, chăn nuôi, bao gồm: Kinh doanh vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng: Kinh doanh vật tư, trang thiết bị ngành điện, thiết bị ngành nước, đồ kim khí phục vụ cho các công trình xây dựng; Kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Ngoài ra, Công văn số 3768/SYT-NVY và Chỉ thị số 10 cũng đề cập “các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết” và “dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép”.
2. Đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) đã đề xuất một số giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới trong Dự Thảo Báo Cáo Tình Hình Phát Triển Doanh Nghiệp Năm 2020 Và 05 Tháng Đầu Năm 2021, theo đó kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ xem xét, giao các cơ quan bộ, ngành và các tổ chức liên quan tiếp tục đồng hành nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo mục tiêu kép: hỗ trợ cho các doanh nghiệp ổn định, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả, cụ thể:
(i) Thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid 19 linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế đẩy mạnh quá trình tiêm vacxin cho người lao động, kế hoạch ưu tiên tiên vacxin cho người lao động tại các khu công nghiệp, chuyên gia quốc tế, người lao động trong doanh nghiệp thường xuyên phải đi công tác nước ngoài và tiếp xúc với người nước ngoài.
(ii) Tái cơ cấu nợ vay và hỗ trợ lãi xuất vay. (a) cho phép việc cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. Áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp: Giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giữ nguyên nhóm nợ; Cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; (b) mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp không chỉ với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thêm doanh nghiệp trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải; (c) nghiêm cứu cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các hang hàng không tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển; (d) thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng bỏ điều kiện có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết 31/12/2020 để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương cho người lao động và duy trì sản xuất.
(iii) Miễn, giảm thuế TNDN, VAT, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường. (a) giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 đối với những doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ chức có doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỉ đồng; (b) tiếp tục áp dụng và có sửa đổi chính sách giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo hướng ; (c) tiếp tục cho áp dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp nhập linh kiện về sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch Covid 19 từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ công bố dịch bệnh; (d) nghiên cứu xây dựng chính sách giảm 50% thuế VAT năm 2021 đối với các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như hàng không, khách sạn để giảm giá dịch vụ, kích cầu và hỗ trợ du lịch nội địa; (e) nghiên cứu đề xuất các địa phương giảm thuế VAT về 0% trong 6 tháng cho các doanh nghiệp vận tải, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô mới đăng ký kinh doanh vận tải; (f) tiếp tục mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cho đến hết 31/12/2021.
(iv) Giãn, giảm phí, lệ phí các khoản phải nộp, chi phí được khấu trừ, các khoản ký quỹ. (a) hướng dẫn về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid – 19; (b) hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 12-2021; (c) cho phép doanh nghiệp giãn đóng phí công đoàn và giảm 50% phí công đoàn trong hai năm 2020-2021; (d) cho doanh nghiệp vận tải được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12-2021; (e) điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải; (f) lùi thời hạn lắp camera đối với xe khách từ 9 chỗ trở lên; (g) cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021;
3. Quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)
Vào ngày 11/6/2021, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Hiệp định UKVFTA), bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 27/6/2021.
(i) Phương thức chứng nhận: Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định khi hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và đáp ứng quy định khác của UKVFTA khi thực hiện nhập khẩu tại các nước thành viên. Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ.
(ii) Cơ chế chứng nhận:
Quy định về tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Vương quốc Anh được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA:
a) Lô hàng có trị giá dưới 6.000 EURO: bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ;
b) Lô hàng có trị giá trên 6.000 EURO: Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được phát hành bởi cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp và theo quy định của Bộ Công thương.
Quy định về tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa có xuất xứ Vương quốc Anh nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA (hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam):
a) Lô hàng có trị giá dưới 6.000 EURO: bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ;
b) Lô hàng có trị giá trên 6.000 EURO: chỉ có nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu điện tử theo quy định của Vương quốc Anh sau khi Vương Quốc Anh thông báo với Việt Nam về cơ chế chứng nhận đối với hàng hóa có xuất xứ từ Vương Quốc Anh mới được tự chứng nhận xuất xứ.
(iii) Ưu đãi UKVFTA: Trong trường hợp hàng hóa có xuất xứ sẽ được hưởng ưu đãi theo UKVFTA mà không cần nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
a) Hàng hóa được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân hoặc hành lý cá nhân của người đi du lịch, với điều kiện hàng hóa đó không được nhập khẩu theo hình thức thương mại, được khai báo đáp ứng quy định và không có nghi ngờ về tính xác thực của khai báo đó;
b) Lô hàng nhập khẩu không thường xuyên chỉ bao gồm các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cá nhân của người nhận hàng hoặc người đi du lịch hoặc gia đình của người đó nếu bản chất và số lượng sản phẩm đó có thể là bằng chứng cho thấy sản phẩm không dùng cho mục đích thương mại;
c) Tổng trị giá hàng hóa được đề cập tại a) và b) mục này không được vượt quá:
- 500 EURO đối với kiện hàng nhỏ hoặc 1.200 EUR đối với hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Vương quốc Anh;
- 200 Đô-la Mỹ đối với kiện hàng nhỏ và hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Việt Nam.
(iv) Khai báo, đăng tải chứng từ: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ, nhà xuất khẩu khai báo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định từ điểm c đến điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov,vn của Bộ Công Thương.
(v) Thời hạn hiệu lực chứng từ: Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành tại nước thành viên xuất khẩu. Đồng thời, để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ này phải được nộp cho Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu trong thời gian 2 năm hoặc theo quy định của nước thành viên nhập khẩu kể từ thời điểm hàng hóa được xuất khẩu và đưa vào lãnh thổ nước thành viên nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.
Chúng tôi hy vọng bạn thấy bản cập nhật pháp lý ngắn gọn này có nhiều thông tin hữu ích.
Trân trọng.
Tải bản đầy đủ