BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 19, THÁNG 9 NĂM 2021
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK & Co Việt Nam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 19 của Tháng 10 năm 2021với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Doanh nghiệp vừa và nhỏ được nhận nhiều chính sách hỗ trợ mới
Vào ngày 26 tháng 8 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định 80/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2021.
Trong đó, có thể kể đến một số chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với những nội dung đáng chú ý như sau:
(i) Tăng mạnh mức hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây chỉ tối đa 03 triệu đồng); doanh nghiệp nhỏ không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây không quá 05 triệu đồng) …
(ii) Thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn (không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp) với doanh nghiệp siêu nhỏ; với doanh nghiệp nhỏ, mức hỗ trợ là 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp…
(iii) Hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và tối đa 70% tổng chi phí của một khóa quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; miễn phí truy cập và tham gia các bài giảng trực tuyến có sẵn trên hệ thống đào tạo trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; …
(iv) Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện phương án, dự án sản xuất-kinh doanh. Mức chênh lệch lãi suất được ngân hàng Nhà nước cấp bù cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng là 2%/năm.
2. Từ ngày 01/10/2021, giảm tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi đối với UBND cấp tỉnh
Vào ngày 16 tháng 8 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 79/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Nghị định 79/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021.
Theo đó, từ 01/10/2021, tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi đối với UBND cấp tỉnh giảm theo quy định.
Cụ thể, đối với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên thì tỷ lệ cho vay lại giảm xuống còn 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi. Đối với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi (giảm 10% so với quy định tại Nghị định 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ).
Bên cạnh đó, đối với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ cần hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 41/NQ-CP sẽ do Chính phủ quyết định tỷ lệ cho vay lại nhưng không thấp hơn 10%.
Ngoài ra, các trường hợp không yêu cầu bảo đảm tiền vay bao gồm: Cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại; Các khoản vay do Ban quản lý dự án thuộc các Bộ nhận nợ, sau đó chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tiến hành phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro trong những trường hợp nhất định
Vào ngày 30 tháng 7 năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 11/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2021.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ theo 05 nhóm sau: Nhóm 1, nợ đủ tiêu chuẩn; Nhóm 2, nợ cần chú ý; Nhóm 3, nợ dưới tiêu chuẩn; Nhóm 4, nợ nghi ngờ; Nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn. Ngoài ra, còn có các khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn hoặc cao hơn dựa vào các chỉ tiêu về khả năng sinh lời, khả năng thanh toán, khả năng trả nợ của khách hàng, … Việc thực hiện phân loại nợ phải đáp ứng các yêu cầu sau: Có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phù hợp với hoạt động kinh doanh, đối tượng khách hàng, tính chất rủi ro của khoản nợ và có thời gian thử nghiệm tối thiểu 01 năm; Có chính sách dự phòng theo quy định; …
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản, cá nhân bị chết, mất tích; Các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Ngoài ra, sau thời gian tối thiểu 05 (năm) năm, kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./.
Tải bản đầy đủ