BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 23, THÁNG 10 NĂM 2021
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK & Co Việt Nam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 23 của Tháng 10 năm 2021 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Chính thức ban hành nghị quyết miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19
Vào ngày 19/10/2021, Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 19/10/2021.
Theo đó, UBTVQH giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
Lưu ý rằng, không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021.
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với:
(i) Hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
(ii) Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với:
(i) Doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.
(ii) Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
2. Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Vào ngày 22/10/2021, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ Thủ tướng trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo đã bổ sung quy định về:
(i) Phân loại hợp đồng, sửa đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm, một số nội dung nhằm phù hợp với Bộ Luật dân sự và thực tiễn của thị trường như điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đơn phương chấm dứt hợp đồng, hợp đồng vô hiệu, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền...
(ii) Yêu cầu công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.
(iii) Quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
(iv) Kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.
(v) Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, dự thảo còn sửa đổi một số nội dung như sau:
(i) Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên;
(ii) Quy định quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm cũng được sửa đổi theo hướng gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
3. Sửa quy định cho vay đặc biệt với tổ chức tín dụng (“TCTD”) được kiểm soát đặc biệt
Vào ngày 06/7/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 27/10/2021
Theo đó, Thông tư sửa đổi quy định cho vay đặc biệt với TCTD được kiểm soát đặc biệt, đơn cử như:
(i) Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định nhưng dưới 12 tháng về thời hạn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt.
(ii) Thông tư cũng bổ sung quy định đối với các TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt nêu trên, phải sử dụng tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./.
Tải bản đầy đủ