BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 24, THÁNG 11 NĂM 2021
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK & Co Việt Nam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 24 của Tháng 11 năm 2021 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 chính thức được phê duyệt
Vào ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 28/10/2021.
Theo đó, các mục tiêu tổng quát mà Quyết định đề ra bao gồm:
(i) Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
(ii) Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân; và
(iii) Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Để đạt được những mục tiêu này, Quyết định cũng đã đề cập đến các giải pháp cụ thể như sau:
(i) Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách;
(ii) Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác;
(iii) Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0;
(iv) Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công;
(v) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán;
(vi) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; và
(vii) Tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023
Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP vào ngày 28/10/2021 về việc sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 28/10/2021.
Theo đó, quy định mức ký quỹ kinh doanh doanh dịch vụ lữ hành được sửa đổi như sau:
(i) Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);
(ii) Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50 triệu đồng (trước đây là 250 triệu đồng);
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (trước đây là 500 triệu đồng);
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (trước đây là 500 triệu đồng).
Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý:
(i) Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành như trên sẽ được áp dụng thực hiện từ ngày 28/10/2021 đến hết ngày 31/12/2023.
(ii) Từ ngày 01/01/2024, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ thực hiện việc ký quỹ theo mức quy định cũ tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017.
3. Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025
Ngày 01/11/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1831/QĐ-TTg ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025.
Danh mục này bao gồm 157 dự án thuộc 09 lĩnh vực: (i) hạ tầng giao thông; (ii) hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; (iii) hạ tầng năng lượng; (iv) hạ tầng công nghệ thông tin; (v) hệ thống xử lý rác, nước thải; (vi) hạ tầng giáo dục và y tế; (vii) hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; (viii) ngành nông, lâm, thủy sản; và (ix) lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Như vậy, Danh mục đã cắt giảm 2 dự án do với đề xuất ban đầu gồm 159 dự án, đó là Dự án Điện khí và Kho khí hóa lỏng ở Thanh Hóa, và Dự án Điện lực LNG Hải Lăng ở Quảng Trị.
Trong các lĩnh vực được quy định trong Danh mục, hạ tầng giao thông là lĩnh vực có nhiều dự án quy mô lớn nhất. Tổng cộng có đến 34 dự án, đơn cử như:
- Tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 4;
- Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, tuyến đường sắt Thống Nhất;
- Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành;
- Đường Vành đai 4 (đoạn qua địa bàn tỉnh Long An);
- Đường vành đai 5 (đoạn qua tỉnh Hòa Bình);…
Ngoài tên dự án, Danh mục còn có quy định về mục tiêu dự án, địa điểm thực hiện, quy mô/thông số kỹ thuật, tổng vốn đầu tư, hình thức đầu tư và địa chỉ liên hệ.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./.
Tải bản đầy đủ