BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 25, THÁNG 11 NĂM 2011
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK & Co Việt Nam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 25 của Tháng 11 năm 2021 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Chủ tịch Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió
Vào chiều 6/11/2021, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, Chủ tịch quốc hội đã đưa ra các quyết định và đề xuất như sau:
- Cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh Ninh Thuận về sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021; chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định số 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31/3/2022.
- Nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid-19.
- Đối với cơ chế giá điện mặt trời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện mặt trời.
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho phép Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách theo đúng tinh thần Nghị quyết 115, trước mắt, có thể áp dụng đến năm 2023 khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội.
- Về đề xuất hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho các dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn nước ngoài, vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chủ động xử lý, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định.
- Về Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện theo đúng kết luận của Ban cán sự Đảng Chính phủ.
2. Quyết định 33/2021/QĐ-TTg bổ sung hộ kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ do Covid-19
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung thêm một số đối tượng hộ kinh doanh được nhận hỗ trợ do tác động của Covid-19.
Cụ thể, tại Quyết định 33/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 06/11/2021 bổ sung thêm đối tượng mới được nhận hỗ trợ bao gồm: Hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh.
Việc hỗ trợ được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc sau:
(i) Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 do:
- Yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; hoặc
- Có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg; hoặc
- Phải áp dụng biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.
(ii) Hỗ trợ 01 lần với mức 3.000.000 đồng/hộ.
(iii) Không áp dụng đối với những trường hợp đã được địa phương quy định là đối tượng được hỗ trợ theo chính sách tại điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.
3. Bộ Công Thương lấy ý kiến xây dựng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Sáng ngày 10/11/2021, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì.
Theo đó, nguyên tắc xây dựng Luật sửa đổi tập trung vào 7 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm:
(i) Hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định có liên quan;
(ii) Hoàn thiện các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch có liên quan;
(iii) Hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp; bổ sung quy định về vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn;
(iv) Hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế;
(v) Xây dựng và hoàn thiện các quy định về các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững;
(vi) Hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương;
(vii) Hoàn thiện quy định về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2023.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./.
Tải bản đầy đủ