BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 29, THÁNG 12 NĂM 2011
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK Vietnam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 29 của Tháng 12 năm 2021 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn hàng hóa
Vào ngày 09/12/2021, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa. Nghị Định này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/02/2022.
Thứ nhất, hàng hóa xuất khẩu từ 15/02/2022 phải tuân thủ quy định về nhãn hàng hóa. Trước đây, theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, hàng hóa xuất khẩu được xem là đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị Định, đồng thời các tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị Định. Điều này có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu không phải thực hiện việc ghi nhãn cũng như tuân thủ các quy định liên quan đến nhãn hàng hóa của Nghị Định. Tuy nhiên, theo Khoản 1 và 2 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, Chính Phủ đã quy định hàng hóa xuất khẩu không còn là nhóm hàng hóa được loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị Định, đồng thời tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa được bổ sung vào nhóm các đối tượng phải thực hiện các quy định liên quan đến nhãn hàng hóa. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu kể từ 15/02/2022 phải tuân thủ quy định về nhãn hàng hóa theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.
Thứ hai, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết cách ghi nội dung liên quan đến xuất xứ trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, Khoản 5 và Khoản 7 Điều 1 Nghị Định này sửa đổi Điều 10 và Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, quy định rõ đối với trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Thứ ba, quy định cụ thể về các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu, cụ thể:
(i) Đối với hàng nhập khẩu: phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa, xuất xứ, tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
(ii) Đối với hàng xuất khẩu: không buộc phải ghi bằng Tiếng Việt và ghi theo quy định của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo:
- Nội dung thể hiện không được trái với pháp luật và phải bảo đảm trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc trên nhãn; và
- Nhãn hàng hóa không được thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
2. Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Vào ngày 07/12/2021, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, từ ngày 01/01/2022, có sự điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2022 thuộc các trường hợp sau:
(i) Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng;
(ii) Cán bộ xã, phường, thị trấn;
(iii) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng;
(iv) Cán bộ xã, phường, thị trấn, quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng; và
(v) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Ngoài ra, đối với các đối tượng đã nêu ở trên mà thuộc trường hợp đã nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 sau khi thực hiện điều chỉnh tăng 7,4% mà mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng vẫn dưới 2.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh như sau:
(i) Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; hoặc
(ii) Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng:
Nghị Định số 108/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ kể từ ngày 20/01/2022.
3. Bãi bỏ 05 Nghị định lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Vào ngày 09/12/2021, Chính Phủ ban hành Nghị định số 110/2021/NĐ-CP bãi bỏ 13 nghị định điều chỉnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, Trong đó có 05 nghị định thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bao gồm:
(i) Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;
(ii) Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;
(iii) Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp;
(iv) Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 02/5/2003 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; và
(v) Nghị định số 72/2000/NĐ-CP ngày 05/12/2000 về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài.
Trong đó:
- Nghị định số 63/CP và Nghị định số 06/2001/NĐ-CP đã hết hiệu lực trước đó, được thay thế bằng Nghị định số 103/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
- Nghị định số 54/2000/NĐ-CP, Nghị định số 42/2003/NĐ-CP vừa bị bãi bỏ, chưa có văn bản thay thế. Tuy nhiên nội dung liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh và đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn cũng đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019 trước đó.
- Riêng nội dung về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài theo Nghị định số 72/2000/NĐ-CP hiện chưa có các quy định thay thế. Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019 và các văn bản hướng dẫn hiện chỉ có một số quy định hướng dẫn chung về quyền công bố tác phẩm.
Nghị định số 110/2021/NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2021.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./
Tải bản đầy đủ