BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 42, THÁNG 5 NĂM 2022
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK Vietnam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 42 của Tháng 5 năm 2022 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo tập trung xây dựng điều kiện áp dụng chung cho các bên đi vay và điều kiện riêng đối với hai nhóm đối tượng đi vay là tổ chức tín dụng và doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng.
Mục đích của Dự thảo nhằm xây dựng điều kiện vay chặt chẽ, có tính đến mức độ rủi ro của từng đối tượng đi vay đảm bảo các hạn mức vay nước ngoài tự vay tự trả, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm, song vẫn hỗ trợ các nhu cầu sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch trong các quy định về điều kiện vay để các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có cơ sở thực hiện hoạt động vay nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật có liên quan; việc đảm bảo minh bạch cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý có điều kiện kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định. Dự thảo có các điểm đáng chú ý sau:
Về mức trần chi phí vay nước ngoài, Ngân hàng nhà nước đặt ra trần chi phí phân theo tiêu chí khoản vay có sử dụng lãi suất tham chiếu hoặc không sử dụng lãi suất tham chiếu để bao quát cơ bản các cách thức tính lãi suất hiện nay:
(i) Đối với các khoản vay sử dụng lãi suất tham chiếu, Dự thảo đề ra mức trần là +8%/năm.
(ii) Đối với các khoản vay không sử dụng lãi suất tham chiếu, Dự thảo đề ra mức trần là SOFR Term Rate + 8%/năm. SOFR Term Rate quy định ở Dự thảo là lãi suất SOFR Term kỳ hạn 6 tháng do Tổ chức CME công bố trên Trang thông tin điện tử chính thức của Tổ chức CME, được xác định tại thời điểm gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài và các thỏa thuận sửa đổi, bổ sung có liên quan đến chi phí vay nước ngoài.
(iii) Đối với khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam: lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam + 8%/năm. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam quy định tại Dự thảo này là lãi suất thực hiện của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm bằng đồng Việt Nam tại thời điểm gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài và các thỏa thuận sửa đổi, bổ sung có liên quan đến chi phí vay nước ngoài.
Về thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ, đây là một quy định mới tại Dự thảo với mục tiêu nhằm hình thành thói quen bảo hiểm rủi ro ngoại tệ cho các bên đi vay, hạn chế tác động tiêu cực đến điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ của Ngân hàng nhà nước. Các nguyên tắc về thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ được quy định tại Điều 10.1 của Dự thảo, cần lưu ý rằng nếu bên đi vay thuộc một trong các đối tượng sau thì không thuộc đối tượng phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ:
(i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật hiện hành
(ii) Bên đi vay dự kiến có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.
Ngoài ra, tại Dự thảo cũng có các quy định về giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài, điều kiện bổ sung đối với bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và điều kiện bổ sung đối với bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay vốn 2%/ năm
Vào ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó, hỗ trợ lãi suất 2%/ năm.
Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh muốn hưởng chế độ ưu đãi lãi suất 2%/năm phải đáp ứng các điều kiện sau.
(i) Phải thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Điều 2 Nghị định 31/2022/NĐ-CP (gọi chung là Khách hàng);
(ii) Khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
(iii) Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023;
(iv) Khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 31/2022/NĐ-CP và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
Khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp sau:
(i) Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
(ii) Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.
Nghị định 31/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2022.
3. Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10 tháng 5 năm 2022 (sau đây gọi tắt là “Thông tư”) hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, nội dung hỗ trợ gồm: Tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (“DNNVV”) khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV.
Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về tiêu chí xác định DNNVV.
Về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, Thông tư nêu rõ, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ theo nội dung và mức hỗ trợ quy định tại Điều 22 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Một số điểm đáng chú ý như sau:
(i) Hỗ trợ học viên của DNNVV tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài theo khoản 5 Điều 22 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, gồm: học phí, tài liệu, ăn, ở, đi lại (bao gồm vé máy bay) được quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Thông tư.
(ii) Hỗ trợ DNNVV duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử theo quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 22 Nghị định 80/2021/NĐ-CP được quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Thông tư.
(iii) Hỗ trợ DNNVV tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo theo Điểm đ Khoản 6 Điều 22 Nghị định 80/2021/NĐ-CP được quy định tại Khoản 3 Điều 15 của Thông tư.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2022.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./.
Tải bản đầy đủ