BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 45, THÁNG 7 NĂM 2022
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK Vietnam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 45 của Tháng 7 năm 2022 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Luật Kinh doanh bảo hiểm có nhiều điểm mới
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là “luật”) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 và Văn phòng Chủ tịch nước vừa công bố Lệnh của Chủ tịch nước về luật này. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có 7 Chương, 157 Điều với nhiều điểm mới được bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Một số điểm nổi bật như:
(i) Để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, luật đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài);
(ii) Về hợp đồng bảo hiểm, luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự, dễ áp dụng trên thực tế;
(iii) Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô;
(iv) Cách tiếp cận mới của luật trong vấn đề quy định lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, thay vì quy định theo cách liệt kê ở luật cũ về những lĩnh vực doanh nghiệp được phép đầu tư, luật (sửa đổi) quy định theo cách loại trừ những lĩnh vực không được phép thì doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động đầu tư những lĩnh vực còn lại;
(v) Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản, bởi đây là lĩnh vực rủi ro rất cao. Việc quy định như vậy để đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, luật có các sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước như bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định EVFTA từ 14,8% - 7,5%
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2022 – 2027 (“Hiệp định EVFTA”).
Về mức thuế xuất khẩu ưu đãi:
(i) Thuế suất trung bình năm 2022 là 14,8%; năm 2023 là 10,1%; năm 2024 là 9,6%; năm 2025 là 8,4%; năm 2026 là 8% và năm 2027 là 7,5%.
(ii) Về điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA, mặc dù không có quy định cụ thể, tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào các lãnh thổ theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, dự thảo Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có bản sao chứng từ vận tải và tờ khai hải quan nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc các lãnh thổ quy định tại Nghị định.
(iii) Về thủ tục áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định EVFTA, dự thảo Nghị định yêu cầu bổ sung thêm 2 loại giấy tờ (bản sao chứng từ vận tải và bản sao tờ khai hải quan nhập khẩu) để tránh gian lận thương mại. Việc bổ sung bản sao chứng từ vận tải và bản sao tờ khai nhập khẩu phù hợp với quy định của Điều 71 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.
Theo dự thảo, Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho từng năm, kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2027, áp dụng đối với 737 dòng thuế.
Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt:
(i) Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bình quân cho từng năm là: Năm 2022 là 6,3%; năm 2023 là 4,7%; năm 2024 là 3,5%; năm 2025 là 2,3%; năm 2026 là 1,7% và năm 2027 là 1%.
(ii) Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Phụ lục II đối với các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan thuộc các nhóm: 04.07 (trứng gia cầm), 17.01 (đường), 24.01 (lá thuốc lá) và 25.01 (muối) là mức thuế suất trong hạn ngạch.
(iii) Điều kiện áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định EVFTA, gồm: (1) Thuộc biểu thuế quy định tại Phụ lục II; (2) Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các lãnh thổ quy định tại Nghị định, và hàng hoá nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước; (3) Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hoá và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định EVFTA.
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt EVFTA theo AHTN (Danh mục hài hòa mô tả và mã số hàng hóa xuất nhập khẩu ASEAN) 2022 giai đoạn 2022 - 2027 gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho từng năm, kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2027.
3. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 13/2022/TT-BGTVT về khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không (sau đây gọi tắt là “Thông tư”).
Theo Thông tư, khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không được quy định như sau:
(i) Nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách quốc tế: Từ 15% - 24%;
(ii) Nhượng quyền khai thác nhà ga, kho hàng hóa: Từ 1,5% - 4,5%;
(iii) Nhượng quyền khai thác phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất: Từ 1,5% - 4,5%;
(iv) Nhượng quyền khai thác sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không: Từ 1% - 3%;
(v) Nhượng quyền khai thác kỹ thuật hàng không: Từ 1% - 3%;
(vi) Nhượng quyền khai thác cung cấp suất ăn hàng không: 75.000 đồng/chuyến bay - 225.000 đồng/chuyến bay;
(vii) Nhượng quyền khai thác cung cấp xăng dầu hàng không: 28.000 đồng/tấn - 84.000 đồng/tấn.
Các mức giá nhượng quyền nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Các mức giá nhượng quyền theo tỷ lệ % quy định tại (i) đến (v) được tính trên doanh thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) của doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tương ứng. Doanh thu hoặc sản lượng để tính giá nhượng quyền khai thác không bao gồm doanh thu hoặc sản lượng của các công ty cung cấp dịch vụ cho chính doanh nghiệp mình và công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ cung ứng dịch vụ cho công ty mẹ.
Doanh nghiệp cảng hàng không và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay thực hiện đàm phán, thương thảo giá dịch vụ trong khung giá trên.
Thông tư 13/2022/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2022.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./.
Tải bản đầy đủ