BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 46, THÁNG 7 NĂM 2022
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK Vietnam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 46 của Tháng 7 năm 2022 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Nhà thầu xây dựng phải mua bảo hiểm cho bên thứ ba
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2015/NĐ-CP về quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, từ ngày 1-7, nhà thầu thi công xây dựng ngoài việc phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường như trước đây thì còn phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba. Nghị định 20/2022/NĐ-CP có một vài điểm đáng chú ý như sau:
Theo Điều 1.4 Nghị định 22/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, Chính phủ cũng bổ sung Điều 6.1.d của Nghị định 119/2015/NĐ-CP với nội dung về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Nghị định 20/2022/NĐ-CP bổ sung Điều 10.4 Nghị định 119/2015/NĐ-CP về số tiền bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba tối thiểu như sau:
(i) Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là một trăm (100) triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.
(ii) Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phi pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:
- Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 (một nghìn) tỷ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phi pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
- Đối với công trình có giá trị từ 1.000(một nghìn) tỷ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 (một trăm) tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
Nghị định 20/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022.
2. Chỉ các linh kiện trong nước chưa sản xuất được mới được miễn thuế nhập khẩu
Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy định việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”).
Theo dự thảo, chỉ các nguyên liệu, vật tư, linh kiện mà (i) trong nước chưa sản xuất được và (ii) phục vụ trực tiếp sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục quy định thì mới được miễn thuế nhập khẩu. Căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, dự thảo nêu rõ Danh mục 29 sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT), nội dung số, phần mềm được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện như:
(i) Thiết bị, phần mềm mạng viễn thông 5G và các thế hệ sau;
(ii) Thiết bị, phần mềm nền tảng IoT (Internet of Things);
(iii) Thiết bị đầu cuối thông minh thế hệ mới, thiết bị truyền dẫn, đầu cuối internet cố định;
(iv) Thiết bị CNTT và phần mềm cho giáo dục;
(v) Camera thông minh, camera AI và các phần mềm phân tích, xử lý và quản lý dữ liệu thu được từ camera;
(vi) Sản phẩm vi mạch (IC) cho viễn thông, CNTT, IoT;
(vii) Sợi quang, cáp quang và các thiết bị truyền dẫn, kết nối trong thông tin quang;
(viii) Thiết bị, phần mềm nền tảng định danh và xác thực điện tử;
(ix) Thiết bị và phần mềm của hệ thống điện toán đám mây…
Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục trên đối với các sản phẩm bảo đảm được một trong những yêu cầu sau đây:
(i) Thị trường trong nước có nhu cầu lớn và tạo giá trị gia tăng cao;
(ii) Có tiềm năng xuất khẩu;
(iii) Có tác động tích cực về đổi mới công nghệ và hiệu quả kinh tế đối với các ngành kinh tế khác;
(iv) Đáp ứng được yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
3. Hoạt động từ thiện phải mở sổ kế toán, minh bạch thông tin
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 41/2022/TT-BTC (sau đây gọi tắt là “Thông tư”) hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2022.
Thông tư 41/2022/TT-BTC áp dụng với Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện xã); các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện.
Theo Thông tư, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.
Thông tư nêu rõ, đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận phải ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản đã tiếp nhận theo thời gian đóng góp thực tế, chi tiết theo nhà tài trợ, ngoài ra, phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị.
Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, đơn vị tiếp nhận chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ nhận hỗ trợ và phải hạch toán ghi chép đầy đủ theo quy định.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân có tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện thực hiện theo quy định của Thông tư này kể từ ngày 01/09/2022 trừ các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện, có tổ chức kế toán riêng và Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp được gia hạn thực hiện đến năm tài chính 2023.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./.
Tải bản đầy đủ.