BẢN TIN PHÁP LUẬT
SỐ 50, THÁNG 9 NĂM 2022
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK Vietnam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 50 của Tháng 9 năm 2022 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể mua, sở hữu nhà tại Việt Nam trong thời gian sắp tới
Bộ Xây dựng đang dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”). Một trong những quy định nổi bật trong Dự thảo là tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là “Chủ thể nước ngoài”) được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo đó, để cụ hoá vấn đề trên, Dự thảo đã đưa ra các đề xuất sau:
(i) Khu vực Chủ thể nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Chủ thể nước ngoài được sở hữu nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở, trừ dự án nằm trong khu vực mà Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xác định cần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
(ii) Số lượng căn hộ chung cư mà Chủ thể nước ngoài sở hữu:
- Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư (bao gồm cả chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp);
- Trường hợp trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường (sau đây gọi tắt là “Khu vực”) mà có nhiều tòa nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này.
(iii) Trừ trường hợp trên Khu vực có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà Chủ thể nước ngoài đã sở hữu đủ số lượng nhà ở riêng lẻ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà Chủ thể nước ngoài được sở hữu:
- Trường hợp chỉ có 01 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên Khu vực thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu số lượng nhà ở không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của dự án và tối đa không vượt quá 250 căn nhà;
- Trường hợp có từ 02 dự án trở lên trên Khu vực thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ tại mỗi dự án và tổng số nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại tất cả các dự án không vượt quá 250 căn nhà.
2. Sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để tạo một thị trường bất động sản phát triển tại Việt Nam
Bộ Xây dựng đang dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”). Trong Dự thảo, một số quy định nổi bật đã được nêu lên:
(i) Bổ sung các bất động sản được phép kinh doanh: Theo Điều 5 của Dự thảo, các loại bất động sản mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) và văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel) đã được phép đưa vào kinh doanh.
(ii) Bổ sung điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản: Theo Điều 10.1 của Dự thảo, bên cạnh việc sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định 02/2022/NĐ-CP, Dự thảo đã bổ sung thêm 02 (hai) điều kiện:
- Có đầy đủ năng lực pháp luật, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; không đang bị cấm, đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động hoặc không đang trong thời gian thực hiện thủ tục phá sản, giải thể tổ chức;
- Đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn, công nhận, giao làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của pháp luật thì phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.
(iii) Quy định cụ thể loại nhà ở, công trình xây dựng có sẵn được phép đưa vào kinh doanh. Cụ thể, Điều 13 của Dự thảo quy định rằng:
- Nhà ở có sẵn được đưa vào kinh doanh bao gồm các loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở trừ nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ và nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước;
- Công trình xây dựng có sẵn được đưa vào kinh doanh là các công trình dân dụng theo pháp luật về xây dựng, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) và văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel).
3. Việt Nam hướng đến việc đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là “Chiến lược”). Với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, một trong những định hướng phát triển được Chiến lược đặt ra là khuyến khích và thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo. Cụ thể:
(i) Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch;
(ii) Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn;
(iii) Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế;
(iv) Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu; và
(v) Thúc đẩy sự phát triển của các dạng năng lượng tái tạo bao gồm nhiên liệu sinh học, nhiên liệu hydrogen và pin nhiên liệu (fuel cell) sử dụng cho hoạt động giao thông vận tải và các mục đích khác.
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng./.
Tải bản đầy đủ.