Vốn là mạch máu để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc đảm bảo về vốn là một yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có thể phát triển và biến các ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Để duy trì các hoạt động của doanh nghiệp trong tình cảnh đại dịch như hiện nay, nếu không có một nguồn tiền dự trữ, doanh nghiệp có thể lao đao và khó quay trở lại thị trường khi đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn, hoặc có các kênh để luân chuyển nguồn vốn hiệu quả, một phương thức để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch là huy động nguồn vốn từ nước ngoài, một kênh được khuyến khích với đa dạng cách tiếp cận và nguồn tài chính dồi dào.
Vay vốn nước ngoài là việc Bên đi vay nhận khoản tín dụng từ nước ngoài thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của Bên đi vay. Khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp được Ngân hàng nhà nước Việt Nam chia làm 2 loại: Khoản vay được chính phủ bảo lãnh và khoản vay không được chính phủ bảo lãnh.
Khoản vay được chính phủ bảo lãnh là khoản vay được đảm bảo bởi chính phủ với người cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp đến hạn trả nợ mà người vay không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên đây là khoản vay thường liên quan đến các dự án của nhà nước, đã được Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, hoặc các dự án gắn liền với nguồn vốn ODA, các dự án với quy mô lớn, có tầm quan trọng đối với kinh tế, xã hội, rất khó để các Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận. Vì vậy, trong bài viết này, chúng ta chỉ đề cập đến khoản vay không được bảo lãnh bởi Chính phủ.
Khoản vay không được chính phủ bảo lãnh là khoản vay có được từ việc Bên đi vay thực hiện vay nước ngoài theo phương thức “tự vay, tự chịu trách nhiệm” trả nợ với Bên cho vay nước ngoài. Khoản vay này là khoản phải hoàn trả, bao gồm khoản gốc và lãi phát sinh từ việc vay nước ngoài tự vay, tự trả của Bên đi vay theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Các khoản vay có thể là ngắn hạn (dưới 1 năm) hoặc trung, dài hạn (từ 1 năm trở lên), đồng tiền vay là ngoại tệ hoặc Việt Nam đồng tùy vào Bên cho vay và mô hình của Bên đi vay, ví dụ như Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô thì có thể vay bằng Việt Nam đồng, một số trường hợp có thể được Thống đốc ngân hàng nhà nước xem xét. Cùng với đó, khi tiến hành vay, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Thứ nhất, phải đáp ứng các điều kiện tương ứng đối với khoản vay của mình. Ví dụ như mục đích phải nhằm thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và phù hợp với phạm vi giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Bên đi vay hoặc của doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp, Bên đi vay ngắn hạn không được sử dụng cho các mục đích dài hạn.
- Thứ hai, Thỏa thuận vay nước ngoài phải được ký kết bằng văn bản trước khi thực hiện giải ngân khoản vay.
- Thứ ba, đối với các giao dịch bảo đảm cho khoản vay, các giao dịch bảo đảm không được trái với Luật Việt Nam và việc sử dụng cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam hoặc trái phiếu chuyển đổi do doanh nghiệp Việt Nam phát hành để thế chấp cho người không cư trú là Bên cho vay nước ngoài hoặc các bên có liên quan phải đảm bảo tuân thủ các quy định về chứng khoán, về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam và/hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thứ tư, lưu ý về giấy chứng nhận đầu tư. Đối với Bên đi vay đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, số dư nợ vay trung, dài hạn phục vụ cho dự án không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại Giấy chứng nhận. Đối với Bên đi vay không hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số dư nợ vay trung, dài hạn không được vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Như vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp tìm được nguồn vốn vay phù hợp, hiệu quả, đánh giá được khả năng sử dụng và chi trả các nguồn vốn đó. Ngân hàng nhà nước sẽ là cơ quan trung gian để hỗ trợ và kiểm soát đối với hoạt động này.
Công ty Luật TNHH ADK & CO VietNam Lawyers