Tóm tắt: Luật Giao dịch điện tử mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024 (Luật Giao dịch điện tử 2023), được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá và chuyển biến quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ số, xã hội số trong bối cảnh những tiến bộ khoa học công nghệ, thương mại điện tử hay đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức về chính sách và mô hình quản lý giao dịch điện tử hiện nay.
Từ khoá: giao dịch điện tử; sửa đổi; dữ liệu; giá trị pháp lý
- Những quy định mới của Luật Giao dịch điện tử 2023
Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Theo Luật Giao dịch điện tử 2023, tại Điều 1, phạm vi điều chỉnh đã lược bỏ nội dung loại trừ áp dụng đối với các trường hợp “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác” nhằm mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.
Việc mở rộng này cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc. Việc áp dụng một phần, toàn phần hay chưa áp dụng giao dịch điện tử trong hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn,… thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan[1].
Thứ hai, nội dung, điều kiện hình thức của thông điệp dữ liệu
Trong thời đại số hoá hiện nay, dữ liệu được thể hiện dưới dạng điện tử đang ngày càng phổ biến và áp dụng cho rất nhiều lĩnh vực. Nhà lập pháp đã cập nhật rất nhiều quy định tại Chương II của Luật Giao dịch điện tử 2023 so với luật cũ để tập trung vào chính sách bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Cụ thể:
Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật, được tạo ra, phát sinh trong quá trình giao dịch hoặc được chuyển đổi từ văn bản giấy[2]. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, như “bản gốc” và “không bị phủ nhận giá trị pháp lý”.
Theo đó, các thông điệp dữ liệu phổ biến là các chứng thư điện tử đều có những điều kiện rõ ràng về hình thức và nội dung thể hiện để làm căn cứ pháp lý và có giá trị ràng buộc.
Theo đó, Luật Giao dịch điện tử 2023 đã kết thừa và cập nhật những điều kiện mới áp dụng cho chứng thư điện tử, để đảm bảo giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau: (a) Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật này; (b) Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh; (c) Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.[3]
Thứ ba, bổ sung điều kiện chuyển đổi văn bản giấy và thông điệp dữ liệu
Cùng với thay đổi về nội dung và hình thức của thông điệp dữ liệu, Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định một điều khoản mới về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Theo đó, việc chuyển đổi sẽ phải đáp ứng các điều kiện cụ thể nêu tại điều 12 cho từng trường hợp, nhằm bảo đảm việc thông tin sau khi chuyển đổi phải được đảm bảo nguyên vẹn, không thay đổi, và đều có ký hiệu riêng có giá trị pháp lý để xác nhận thông điệp chuyển đổi. Quy định này có tiềm năng tạo ra nhiều thay đổi lớn trong hoạt động hành chính, tống đạt giấy tờ của nhà nước.
Thứ tư, các dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử
Các dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử được là một nội dung mới được lần đầu đưa vào Luật Giao dịch điện tử 2023, mặc dù thực tế đã có tồn tại các hinh thức này rồi. Các dịch vụ tin cậy được quy định bao gồm: a) Dịch vụ cấp dấu thời gian; b) Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu; c) Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Các dịch vụ này được mô tả cụ thể về chức năng thực hiện, hình thức thể hiện[4]. Bên cạnh đó là trách nhiệm chung của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin nư trách nhiệm công khai quy trình sử dụng dịch vụ; Thực hiện chế độ lưu trữ hồ sơ, tài liệu và kết nối, cung cấp thông tin; v.v
Luật Giao dịch điện tử 2023 cũng xác định đây là ngành dịch vụ kinh doanh có điều kiện bởi tính nhạy cảm của dịch vụ này đối với các giao dịch cần đảm bảo tính tin cậy cao trong xã hội. Vì vậy, theo điều 29 Luật Giao dịch điện tử 2023, nhà nước đưa ra các điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng gồm một số yêu cầu sau:
- Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam;
- Đáp ứng điều kiện tài chính, nhân lực quản lý và kỹ thuật phù hợp với từng loại dịch vụ tin cậy quy định;
- Hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ tin cậy đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin mạng tối thiểu cấp độ 3 theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng;
- Có phương án kỹ thuật phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ phù hợp với từng loại dịch vụ tin cậy quy định;
- Có phương án sẵn sàng kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu bằng phương tiện điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về dịch vụ tin cậy.
Những quy định trên đã hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý, phù hợp với điều kiện tình hình và nhu cầu quản lý thực tế hiện nay. Do đó, đây được đánh giá là nội dung quan trọng, thúc đẩy sự tin cậy hơn nữa trong việc ký kết, thực hiện các giao dịch điện tử.
Thứ năm giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước
Nội dung giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước được quy định sâu sắc và chi tiết hơn tại Chương V của Luật Giao Dịch điện tử 2023. Theo đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung chính trong Chương này tập trung vào chính sách quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số. Cụ thể:
Luật Giao dịch điện tử quy định các hình thức giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước bao gồm các loại hình giao dịch như: (1). Giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan nhà nước; (2). Giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau; (3). Giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân[5].
Theo điều 40, dữ liệu trong cơ quan nhà nước được tổ chức thống nhất, được phân cấp quản lý theo trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử; được chia sẻ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đây là khẳng định về việc dữ liệu, thông tin sẽ được Nhà nước quản lý trên cơ sở hỗ trợ cho các dịch vụ công, nhằm tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng, phát triển xã hội. Đồng thời, cơ sở dữ liệu chung của quốc gia sẽ được phân cấp quản lý theo địa phương, theo bộ ngành và được đảm bảo nguồn kinh phí xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu.
Luật Giao dịch điện tử 2023 không chỉ quy định dữ liệu có tính chia sẻ, kết nối với cá nhân, cơ quan tổ chức riêng biệt, mà còn có các dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là nơi để người dân có thể tự do sử dụng, tái sử dụng hoặc chia sẻ. Để hiểu rõ hơn, các dữ liệu mở này là các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các tờ trình, báo cáo thẩm định, thẩm tra đối với một dự án luật mà cơ quan chủ trì soạn thảo chia sẻ trên không gian mạng. Theo đó, nhà làm luật quy định các cơ quan chia sẻ dữ liệu mở phải đảm bảo tính toàn vẹn và phản ánh đầy đủ thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp, được cập nhật mới nhất, có khả năng truy cập và sử dụng trên mạng Internet, bảo đảm khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý được.
Có thể nói, đây là một nỗ lực quan trọng của Nhà nước trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Điều này cũng nhằm xây dựng một chính phủ liêm chính, minh bạch khi các giao dịch có thể thực hiện thông qua nền tảng số và hạn chế những tiêu cực, nhũng nhiễu.
- Tác động đến doanh nghiệp
Luật Giao dịch Điện tử 2023 đã tạo ra sự thay đổi lớn, định hình một hành lang pháp lý hoàn thiện và toàn diện, đặt nền tảng cho sự chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Những thay đổi và bổ sung này không chỉ cập nhật cách thức giao dịch diễn ra, mà còn mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực, đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh linh hoạt và hiệu quả hơn.
Trong quá trình này, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh càng giúp đảm bảo rằng tất cả các loại giao dịch và các đối tượng tham gia đều được bảo vệ một cách đồng đều. Điều này là rất cần thiết, đặc biệt đối với hoạt động thương mại và dân sự trong nền kinh tế của cuộc cách mạng 4.0. Sự mở rộng này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển và phổ biến của nền kinh tế số nước nhà.
Điều này khuyến khích doanh nghiệp sử dụng giao dịch điện tử, đồng thời thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử, mà còn mở ra không gian cho sự đổi mới và tăng cường linh hoạt trong quản lý doanh nghiệp. Việc giao dịch có thể thực hiện hoàn toàn, từ đầu đến cuối, bằng phương tiện điện tử không chỉ giảm bớt các rủi ro và các gánh nặng về thủ tục hành chính mà còn tăng tính linh hoạt trong quá trình quản lý doanh nghiệp. Sự bổ sung quy định về giá trị pháp lý là một bước đi quan trọng nhằm hướng đến xây dựng một cơ sở pháp lý phù hợp và hiện đại để hỗ trợ sự phát triển bền vững của giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự mở rộng phạm vi điều chỉnh này, luật đã áp dụng chữ ký số, quy định về sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài. Hoạt động kinh doanh khi đó sẽ giúp tăng cường niềm tin giữa các bên tham gia, kích thích hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới, tạo ra một cơ hội lớn cho cả tổ chức lẫn cá nhân.
Một điểm quan trọng là tính chủ động của các bên tham gia giao dịch. Nhờ vào việc đảm bảo tính pháp lý và sự tin cậy về vai trò và quyền hạn của đôi bên, quá trình thương lượng và ký kết hợp đồng trở nên linh hoạt hơn. Điều này tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thúc đẩy hiệu suất kinh tế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
- Kết luận
Sự điều chỉnh của Luật Giao dịch Điện tử 2023 thực sự đã mở ra một hành lang pháp lý linh hoạt và thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp. Thông qua những thay đổi mới, luật đã đảm bảo giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử thông qua quy trình rõ ràng, hoàn thiện, đầy đủ, và thuận lợi cho việc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số. Sự sửa đổi và bổ sung này không chỉ định hình lại cách doanh nghiệp thực hiện giao dịch mà còn mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu suất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa.
ADK Vietnam Lawyers
[1] Bộ Thông tin và Truyền thông, Tờ trình Về dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Hà Nội, 2022, tr. 6
[2] Điều 7 Luật Giao dịch điện tử 2023
[3] Điều 19 Luật Giao dịch điện tử 2023.
[4] Điều 28 Luật Giao dịch điện tử 2023
[5] Điều 39 Luật Giao dịch điện tử 2023