Nhà đầu tư bỏ ra nguồn vốn gia nhập các công ty cổ phần để trở thành cổ đông nhưng giờ đây chính cổ đông lại bất an hậu góp vốn. Nếu như vị thế các cổ đông lớn luôn được khẳng định với nhiều quyền lợi và tiếng nói trong doanh nghiệp, thì tiếng nói của cổ đông thiểu số với số cổ phần ít hơn lại gần như không được lắng nghe từ đó dẫn đến các quyền lợi đáng ra thuộc về mình nhưng chưa được đảm bảo. Và làm thế nào để nâng cấp tiếng nói của cổ đông thiểu số vẫn là bài toán nan giải không chỉ đối với chính các cổ đông vừa và nhỏ, với doanh nghiệp, với chính sách pháp luật.
Xác định khái niệm cổ đông thiểu số theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020
Pháp luật doanh nghiệp qua các thời kỳ không đưa ra định nghĩa về cổ đông thiểu số, tuy nhiên, dưới góc độ lý luận, hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này:
Quan điểm thứ nhất, theo định nghĩa tại Luật Chứng khoán 2019 thì “Cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành”, có thể hiểu theo quan điểm này, cổ đông thiểu số là những cổ đông sở hữu dưới 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Với cách hiểu này, tỉ lệ sở hữu cổ phần là tiêu chí duy nhất để xác định cổ đông thiểu số trong công ty. Khái niệm này trên thực tế chưa thực sự phù hợp bởi có nhiều cổ đông hay nhóm cổ đông được gọi là cổ đông thiểu số trong doanh nghiệp có thể sở hữu lớn hơn 5% số cổ phiếu biểu quyết.
Với quan điểm thứ hai, xem xét toàn diện giữa tiêu chí tỉ lệ sở hữu cổ phần và tiêu chí kiểm soát hoạt động trong doanh nghiệp giữa các cổ đông, nhóm cổ đông, trên thực tế cho thấy vẫn có trường hợp cổ đông thiểu số sở hữu cổ phần trên 5% nhưng lại không có quyền kiểm soát, điều hành doanh nghiệp, ngược lại những cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần nhỏ, nhưng nắm quyền biểu quyết chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Quan điểm này có thể được xem là phù hợp với thực trạng quản trị doanh nghiệp trên thực tế.
Theo đó, dù tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, về mặt lý luận, có thể hiểu cổ đông thiểu số là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần nhỏ không chi phối được công ty và không có đủ khả năng để áp đặt quan điểm, ý chí, đường lối, sách lược của mình trong hoạt động công ty
Luật Doanh nghiệp 2020 tuy vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể như thế nào là cổ đông thiểu số nhưng đã xác định tư cách pháp lý thông qua việc đề cập quyền lợi của cổ đông hoặc nhóm cổ đông này, với những thay đổi nhất định so với Luật Doanh nghiệp 2014.
Còn tồn tại những bất cập đối với cổ đông thiểu số theo Luật Doanh nghiệp 2014
Luật Doanh nghiệp 2014 còn tồn đọng những hạn chế nhất định đối với cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần. Những bất cập này không đảm bảo được quyền lợi của cổ đông thiểu số mà còn khiến họ không an tâm khi quyết định góp vốn vào doanh nghiệp.
Đầu tiên, Luật Doanh nghiệp 2014 bỏ quy định bắt buộc đối với phương thức bầu dồn phiếu, doanh nghiệp có thể áp dụng hay không áp dụng phương thức này. Cụ thể, tại Điều 144.3 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu”. Việc bãi bỏ quy định bắt buộc về phương thức bầu dồn phiếu đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông thiểu số trong việc thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Tiếp đến, cổ đông thiểu số không sở hữu đủ tỷ lệ cổ phần cần thiết để ngăn cản hay phủ quyết các Nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Ngược lại, nhóm cổ đông lớn với tỷ lệ cổ phần chiếm đa số, có thể dễ dàng thông qua các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông với điều kiện thông qua đáp ứng ít nhất 65% và 51% tổng số phiếu biểu quyết tuỳ từng trường hợp (Điều 144.1, Điều 144.2 Luật Doanh nghiệp 2014) mà không cần quan tâm đến ý kiến tán thành hay phản đối từ nhóm cổ đông thiểu số.
Luật Doanh nghiệp 2014 còn có quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông “sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty” mới có các quyền như đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát; xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết; yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, … Có thể thấy tỉ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông không hề nhỏ và cả điều kiện thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng (Điều 114.2 Luật Doanh nghiệp 2014) , các cổ đông vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng điều kiện này, như vậy, đã gián tiếp cản trở họ thực hiện quyền lợi của mình.
Với số phiếu biểu quyết hạn chế, cổ đông thiểu số khó có thể bầu, bổ nhiệm nhân sự hay nắm giữ những vị trí quan trọng trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc cũng như Ban kiểm soát. Do đó, cổ đông thiểu số thường bất lợi về thông tin, chính sách do cổ đông lớn thực hiện, và cũng khó ngăn cản, phủ quyết các nghị quyết, quyết định trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo Luật Doanh nghiệp 2014 có thể nhận định cổ đông sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần mới được xem là cổ đông thiểu số. Điều này có mâu thuẫn với Luật Chứng khoán 2006 lúc bấy giờ, cổ đông sở hữu từ 5% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty là cổ đông lớn nên quy định này các cổ đông lớn cũng bị ảnh hưởng.
Luật Doanh nghiệp 2020 góp phần củng cố vị thế của cổ đông thiểu số trong doanh nghiệp
Những thay đổi đáng kể trong Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng nới rộng cơ hội cho cổ đông thiểu số thực hiện quyền của mình, từng bước nâng cấp vị thế của cổ đông thiểu số. Tuy còn vướng mắc nhưng đã phần nào khắc phục những hạn chế từ Luật Doanh nghiệp 2014.
Thứ nhất, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông từ 10% xuống còn 5% đối với cổ đông phổ thông. Theo quy định tại Điều 115.2 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty sẽ hưởng một số quyền năng nhất định: xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của HĐQT; yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ… Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014, chỉ cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ mới được thực hiện các quyền nói trên. Việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông đã xác định nhóm đối tượng cổ đông thiểu số đồng thời mở rộng quyền của họ, đồng thời phù hợp với khái niệm cổ đông thiểu số theo Luật Chứng khoán 2019.
Thứ hai, theo Điều 115.2, Luật Doanh nghiệp 2020 xóa bỏ điều kiện cổ đông phải sở hữu cổ phần liên tục trong thời hạn 06 tháng. Quy định của luật cũ đã hạn chế quyền của cổ đông thiểu số mới khi không được thực hiện ngay quyền của mình. Cổ đông thiểu số cũng đã bỏ ra một số vốn để sở hữu cổ phần nhưng chưa được thực hiện các quyền năng tức thì của mình do không sở hữu cổ phần liên tục trong thời hạn 06 tháng. Vì lẽ đó, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ việc yêu cầu cổ đông sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng là điều kiện tiên quyết để có thể thực thi một số quyền cơ bản như: yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát …
Thứ ba, Luật Doanh nghiệp 2020 đã kéo dài thời hạn tối thiểu lập danh sách và gửi giấy mời cho cổ đông tham dự cuộc họp thay đổi từ 7 ngày thành 21 ngày để cổ đông có thể chủ động hơn và thực hiện tốt quyền hơn của mình.
Thực trạng thực hiện cơ chế đảm bảo quyền của cổ đông thiểu số theo Luật Doanh nghiệp 2020
Mặc dù Luật Doanh nghiệp mới có những sửa đổi tiến bộ đối với cổ đông thiểu số song thực tiễn câu chuyện bảo vệ nhóm cổ đông này còn khá xa rời lý thuyết
Luật doanh nghiệp 2020 mở rộng quyền cho nhóm cổ đông nhỏ, song thực hiện trên thực tế lại chẳng dễ dàng. Nhóm cổ đông nhỏ đạt tỉ lệ 5% cổ phần có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông nhưng để làm sao cổ đông thiểu số cùng có yêu cầu tập hợp, liên kết đủ tỉ lệ 5% quả thực không dễ.
Với việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 5% để cổ đông thiểu số được đảm bảo những quyền lợi nhất định của mình, theo quy định bắt buộc tại Điều 115.2 Luật Doanh nghiệp 2020. Đa phần các doanh nghiệp đã có những điều chỉnh cho phù hợp, tuy nhiên, còn tình trạng một số doanh nghiệp chưa kịp thời thay đổi theo quy định hiện hành. Thế nên, cổ đông thiểu số chưa được bảo vệ đã bị gián tiếp tước quyền.
Không những thế, các quyền lợi cơ bản của cổ đông thiểu số như yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông; xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, … gần như các doanh nghiệp vẫn “bỏ mặc”, “làm ngơ” và cổ đông thiểu số thậm chí không nắm rõ quyền lợi của mình. Họ chưa có tiếng nói phù hợp, khó có cơ hội tham gia điều hành, kiểm soát doanh nghiệp nên quyền lợi cơ bản càng khó được doanh nghiệp đáp ứng.
Nới rộng quyền năng của cổ đông thiểu số đồng nghĩa với việc giới hạn quyền của cổ đông lớn trong doanh nghiệp nên muốn cân bằng lợi ích của các nhóm cổ đông vẫn là bài toán hóc búa. Luật Doanh nghiệp 2020 có thực sự là tấm khiên vững chãi với cổ đông thiểu số an tâm góp vốn, an tâm đầu tư hay không còn phụ thuộc khả năng vận dụng quy định pháp luật của cổ đông thiểu số, của doanh nghiệp trong quá trình gia nhập và hoạt động.
ADK&Co Lawyers