Giải thể được hiểu là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp với tư cách pháp nhân. Giải thể doanh nghiệp phải tuân theo các điều kiện, thủ tục luật định. Hiện nay, thủ tục giải thể doanh nghiệp cũng đã được quy định rõ ràng hơn trong Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn, tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý về một số điểm dưới đây để việc thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luât.
Cơ sở pháp lý:
1. Pháp luật quy định trường hợp nào giải thể doanh nghiệp?
Giải thể được hiểu là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp với tư cách pháp nhân. Giải thể doanh nghiệp phải tuân theo các điều kiện, thủ tục luật định. Điều 207.1 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
- Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
2. Doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện nào khi tiến hành giải thể theo quy định pháp luật?
Điều 207.2 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể khi:
- Doanh nghiệp đã thanh toán hết các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản khác;
Doanh nghiệp phải hoàn tất các nghĩa vụ về Thuế tại Chi cục thuế quận, huyện và thực hiện thủ tục khóa mã số thuế trước khi nộp hồ sơ thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh tại nơi đặt trụ sở chính công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tiến hành thực hiện thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác.
- Doanh nghiệp đang không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án hay Trọng tài.
3. Các hoạt động bị cấm khi doanh nghiệp đã giải thể
Kể từ khi doanh nghiệp có quyết định giải thể, doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp cần lưu ý những hoạt động bị nghiêm cấm thực hiện theo Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản;
- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
- Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;
- Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
- Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
- Huy động vốn dưới mọi hình thức.
Doanh nghiệp sau khi có quyết định giải thể nếu có hành vi vi phạm nêu trên thì tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
4. Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể, doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Theo Điều 70, Điều 72 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm sau:
- Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể đến Phòng đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp ngoài việc phải thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, doanh nghiệp còn phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh nếu doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
- Trước khi thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải đăng ký với Cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers