Trong nền kinh tế phát triển hiện nay, việc các cá nhân, tổ chức (trong và ngoài nước) hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh, cùng liên kết để vận hành các doanh nghiệp ngày càng phổ biến. Khi cùng chung tay gây dựng một doanh nghiệp, giữa họ sẽ phát sinh những quyền, nghĩa vụ và sự ràng buộc lẫn nhau. Điều này được thể hiện thông qua các văn bản, tài liệu được thỏa thuận, ký kết và thừa nhận giữa các bên. Trong đó có tài liệu bắt buộc được pháp luật quy định cụ thể như Điều lệ công ty, cũng có loại tài liệu không bắt buộc, tuy nhiên vẫn được sử dụng khá phổ biến như thỏa thuận giữa các cá nhân, tổ chức cùng thành lập nên doanh nghiệp. Đó là “Thỏa thuận cổ đông” đối với công ty cổ phần hay “Thỏa thuận thành viên” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (sau đây gọi chung hai loại thỏa thuận này là “Thỏa Thuận Cổ Đông” hoặc “Thỏa Thuận”, đồng thời “cổ đông” đối với công ty cổ phần và “thành viên” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ được gọi chung là “Cổ Đông”). Thỏa Thuận Cổ Đông đã được pháp luật nhiều quốc gia có quy định cụ thể để điều chỉnh. Tại Việt Nam, loại thỏa thuận này mặc dù được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên lại chưa có các quy định cụ thể của pháp luật điều chỉnh, vì vậy mà gặp phải không ít những vấn đề phát sinh xung quanh việc soạn thảo, thực hiện, cũng như bảo đảm tính hiệu lực pháp luật của chúng. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các vấn đề về pháp lý và thực tiễn xoay quanh Thỏa Thuận này.
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015 được ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015 (“Bộ Luật Dân Sự 2015”);
- Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành ngày 17 tháng 06 năm 2020 (“Luật Doanh Nghiệp 2020”);
II. Một số vấn đề chung về Thỏa Thuận Cổ Đông
2.1. Khái niệm
Tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn không có bất kỳ quy định nào đề cập hoặc ghi nhận khái niệm về Thỏa Thuận Cổ Đông. Vì vậy, để xác định khái niệm của Thỏa Thuận Cổ Đông, ta cần xem xét bản chất của Thỏa Thuận này. Theo đó, bản chất Thỏa Thuận Cổ Đông đúng như tên gọi của nó, là một thỏa thuận giữa các cổ đông, thành viên của một công ty. Đây có thể là những cổ đông, thành viên sáng lập tại thời điểm thành lập công ty, hoặc những cổ đông, thành viên góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp (để thuận tiện cho việc phân tích, cổ phần và phần vốn góp sau đây được gọi chung là “Cổ Phần”) sau khi công ty đã thành lập. Thỏa Thuận này là tập hợp những sự cam kết, ràng buộc về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia về các vấn đề liên quan đến công ty. Đó có thể là về vấn đề quản lý, điều hành công ty, cũng có thể liên quan đến quyền biểu quyết, quyền chuyển nhượng cổ phần hay các vấn đề khác phụ thuộc vào thỏa thuận và sự nhất trí giữa các bên tham gia.
Tóm lại, có thể hiểu “Thỏa Thuận Cổ Đông là thỏa thuận giữa hai hay nhiều Cổ Đông của công ty về các vấn đề liên quan tới công ty và/hoặc quyền, nghĩa vụ của các Cổ Đông, được lập trước hoặc sau khi công ty thành lập và có giá trị ràng buộc đối với các Cổ Đông tham gia thỏa thuận.”
2.2. Chủ thể của Thỏa thuận cổ đông
Như đã đề cập tại Mục 2.1, Thỏa Thuận Cổ Đông được ký kết giữa hai hay nhiều Cổ Đông của công ty. Đây cũng có thể là thỏa thuận giữa toàn bộ Cổ Đông của công ty, cũng có thể là của hai hay một nhóm Cổ Đông, số lượng này không bị giới hạn. Chính vì vậy, giá trị ràng buộc của Thỏa Thuận Cổ Đông không phải lúc nào cũng áp dụng được với toàn bộ Cổ Đông công ty, mà chỉ có thể ràng buộc và điều chỉnh mối quan hệ giữa các Cổ Đông tham gia Thỏa Thuận.
2.3. Mục đích và nội dung của Thỏa Thuận Cổ Đông:
Khi cùng đàm phán, ký kết Thỏa Thuận Cổ Đông, các Cổ Đông công ty có thể có nhiều mục đích khác nhau, nhằm thiết lập nên mối quan hệ hợp tác giữa các bên. Thỏa Thuận Cổ Đông giúp cho Cổ Đông tham gia có thể tăng khả năng của mình trong việc kiểm soát, quản lý công ty; tăng hiệu quả khi biểu quyết, phủ quyết các vấn đề của công ty; hạn chế và kiểm soát được quyền chuyển nhượng Cổ Phần, rút vốn của các Cổ Đông còn lại trong Thỏa Thuận,…
Thỏa Thuận Cổ Đông có thể vượt xa hơn Điều lệ công ty và quy định pháp luật về các quyền mà cổ đông tham gia thỏa thuận có thể có. Theo đó, một số nội dung phổ biến thường được đưa vào Thỏa Thuận Cổ Đông bao gồm: thỏa thuận về vấn đề quản trị công ty; về quyền lợi, nghĩa vụ của các Cổ Đông trong công ty (có thể là quyền biểu quyết, quyền chuyển nhượng cổ phần, quyền cử người vào các chức danh quản lý trong công ty,…), về phân chia lợi nhuận, phân phối tài sản thanh lý, các quy định xử lý bế tắc,… Những vấn đề này được các bên thỏa thuận có thể tuân thủ quy định pháp luật, nhưng cũng có những trường hợp không hoàn toàn theo quy định pháp luật, nhưng các bên chấp nhận và đồng ý ký kết với nhau. Chính điều này có thể dẫn đến một vài rủi ro đối với tính có hiệu lực pháp lý của Thỏa Thuận Cổ Đông.
III. Thực tiễn
3.1. Vấn đề liên quan đến hiệu lực pháp lý của Thỏa Thuận Cổ Đông:
Như đã đề cập, Luật Doanh Nghiệp 2020 của Việt Nam và các văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể điều chỉnh Thỏa Thuận Cổ Đông. Vì vậy, Thỏa Thuận Cổ Đông có thể được xem xét dưới góc độ là một hợp đồng dân sự theo sự điều chỉnh của Bộ Luật Dân Sự 2015 khi đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Theo Bộ Luật Dân Sự 2015, để một hợp đồng có hiệu lực phải đảm bảo một số các điều kiện quy định tại Điều 117, cụ thể bao gồm: (i) Chủ thể có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch; (ii) Chủ thể hoàn toàn tự nguyện; và (iii) Mục đích và nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, để Thỏa Thuận Cổ Đông có hiệu lực như một hợp đồng dân sự, cần thiết phải đảm bảo các điều kiện đã nêu trên. Do đó, khi soạn thảo, thực hiện Thỏa Thuận Cổ Đông, cần đảm bảo điều kiện về chủ thể, sự tự nguyện giao kết, và cần đặc biệt lưu ý đến mục đích và nội dung của Thỏa Thuận Cổ Đông không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Ngoài ra, Thỏa Thuận Cổ Đông khác với những hợp đồng dân sự thông thường bởi nội dung của Thỏa Thuận liên quan đến vấn đề quản lý nội bộ công ty, do đó, nội dung của Thỏa Thuận Cổ Đông còn chịu sự ràng buộc của pháp luật doanh nghiệp.
Luật Doanh Nghiệp 2020 cũng có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các Cổ Đông trong công ty. Bên cạnh Luật Doanh Nghiệp, Điều lệ công ty cũng là một tài liệu cần lưu ý khi soạn thảo, thực hiện Thỏa Thuận Cổ Đông. Điều lệ công ty được soạn thảo và ban hành theo quy định của pháp luật cả về mặt nội dung lẫn thủ tục đăng ký. Do đó, Điều lệ công ty được thừa nhận là văn bản có giá trị pháp lý đối với chính công ty, các Cổ Đông và các bên thứ ba có liên quan. Thực tiễn, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về vấn đề Luật Doanh Nghiệp, Điều lệ công ty hay Thỏa Thuận Cổ Đông, cái nào sẽ chi phối cái nào.
Thông thường các Cổ Đông cũng có thể thỏa thuận để Thỏa Thuận Cổ Đông được ưu tiên áp dụng. Trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến mâu thuẫn giữa Thỏa Thuận Cổ Đông và Điều lệ công ty, các bên sẽ cùng thống nhất điều chỉnh Điều lệ sao cho phù hợp với Thỏa Thuận Cổ Đông. Tuy nhiên, việc điều chỉnh Điều lệ sẽ còn phụ thuộc vào ý chí của các bên tùy từng thời điểm. Theo đó, để tránh các vấn đề phát sinh, khi soạn thảo Thỏa Thuận Cổ Đông, bên cạnh việc kiểm tra điều kiện về chủ thể, sự tự nguyện giao kết, mục đích và nội dung của Thỏa Thuận Cổ Đông như đã đề cập ở trên, công ty còn cần cân nhắc soạn thảo sao cho nội dung của Thỏa Thuận phù hợp với các quy định mà pháp luật doanh nghiệp cũng như Điều lệ công ty quy định. Đồng thời, không nên thỏa thuận các vấn đề mà Cổ Đông không có thẩm quyền định đoạt theo pháp luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
3.2. Hiệu lực của Thỏa Thuận Cổ Đông đối với bên thứ ba
Bên thứ ba trong Thỏa Thuận Cổ Đông có thể là các Cổ Đông còn lại của công ty hay những cá nhân, tổ chức đã, đang hoặc sẽ thực hiện các giao dịch có liên quan đến các vấn đề được ghi nhận trong Thỏa Thuận Cổ Đông. Chẳng hạn như bên nhận chuyển nhượng Cổ Phần từ một Cổ Đông có cam kết hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần trong Thỏa Thuận Cô Đông.
Thông thường Thỏa Thuận Cổ Đông chỉ được ký kết và có giá trị ràng buộc giữa các Cổ Đông với nhau, không có khả năng ràng buộc với bên thứ ba vì bên thứ ba ngay tình và không biết về sự thỏa thuận đó. Mặt khác, theo quy định pháp luật, Cổ Đông có quyền tự do khi biểu quyết, khi chuyển nhượng cổ phần, và thực hiện các quyền khác của mình, vì vậy bên thứ ba không biết và không buộc phải biết đến sự hạn chế về quyền của một Cổ Đông trong Thỏa Thuận Cổ Đông. Theo đó, khi một Cổ Đông vi phạm Thỏa Thuận Cổ Đông để thực hiện một giao dịch với bên thứ ba ngay tình thì giao dịch đó có thể sẽ không bị coi là vô hiệu.
Vì vậy để khắc phục điểm này, thực tiễn các công ty thường xem xét để “cài cắm” các nội dung có đề cập đến các hạn chế do Thỏa Thuận Cổ Đông gây ra trong Điều lệ công ty hay các tài liệu khác của công ty mà bên thứ ba buộc phải biết khi có ý định thực hiện giao dịch liên quan với công ty. Qua đó, bên thứ ba thông qua việc nghiên cứu các tài liệu liên quan của công ty, sẽ gián tiếp biết được có thể có sự tồn tại của Thỏa Thuận Cổ Đông gây ảnh hưởng, hạn chế một số quyền của Cổ Đông trong một số trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như đối với thỏa thuận về hạn chế chuyển nhượng Cổ Phần, Điều lệ công ty có thể đề cập đến những trường hợp Cổ Phần bị hạn chế chuyển nhượng theo thỏa thuận tự nguyện, riêng rẽ giữa các Cổ Đông. Khi có sự đề cập như vậy, phần nào khiến bên thứ ba phải biết rằng có tồn tại những thỏa thuận về hạn chế chuyển nhượng Cổ Phần, và khi đó, họ cần làm việc với bên chuyển nhượng để xác định có hay không sự tồn tại của Thỏa Thuận Cổ Đông gây ảnh hưởng, hạn chế đối với quyền chuyển nhượng số Cổ Phần mà họ dự định mua. Như vậy, vô hình chung các Thỏa Thuận Cổ Đông liên quan đến việc chuyển nhượng Cổ Phần như nói ở trên cũng đã có thể ràng buộc cả bên thứ ba, không tham gia Thỏa Thuận.
III. Kết luận
Mặc dù pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể, nhưng các Cổ Đông trong công ty vẫn có quyền đàm phán, ký kết Thỏa Thuận Cổ Đông để tối ưu hóa các quyền lợi của mình trên cơ sở cân bằng lợi ích với các Cổ Đông khác. Pháp luật tôn trọng sự tự do thỏa thuận của các Cổ Đông nhưng phải trên cơ sở không vi phạm điều cấm của luật hay trái đạo đức xã hội cũng như không làm ảnh hưởng hay xâm phạm đến quyền, lợi ích của các chủ thể khác không tham gia Thỏa Thuận Cổ Đông. Căn cứ vào đó, khi soạn thảo hay ký kết Thỏa Thuận Cổ Đông, cần xem xét sự phù hợp với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty cũng như tận dụng các quy định của pháp luật để có thể một cách khéo léo công khai Thỏa Thuận Cổ Đông trong Điều lệ hoặc các văn kiện khác của công ty, góp phần đảm bảo các Cổ Đông trong Thỏa Thuận luôn tuân thủ, thực hiện đúng các cam kết đã thống nhất.
ADK Vietnam Lawyers
Note
i. Theo sách “Pháp lý M&A căn bản” của Luật sư Trương Hữu Ngữ (2018), Nhà xuất bản Công Thương, Mục 242 và 243, trang 257