Khách hàng thời dịch dã thưa vắng là tình trạng chung mà nhiều ngành đang phải đối mặt. Việc tìm kiếm khách hàng mới lúc này, vì vậy thành chuyện quan trọng hàng đầu của đội ngũ bán hàng doanh nghiệp. Nhưng đây cũng là một câu chuyện mà không khéo sẽ từ nỗ lực bán hàng thông thường thành chuyện kiện tụng vì cạnh tranh không lành mạnh.
LS. HỒ THỊ TRÂM – PHẠM TRÚC THOA (*)
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng bí bách, áp lực duy trì sự sống còn của doanh nghiệp lên mức báo động. Nhu cầu mua sắm thấp, thậm chí đứng lại đối với nhiều loại mặt hàng. Trong thời gian dịch bệnh, áp lực đối với đội ngũ bán hàng (sale) để có được khách hàng đem về cho doanh nghiệp và đảm bảo KPIs cho mình như trước là khó khăn và không phải nhân viên, doanh nghiệp nào cũng vượt khó một cách đúng đắn.
Nhiều hành vi trái pháp luật đã được ghi nhận theo các tình huống như sau: A và B là hai công ty cùng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm và làm đại lý cho công ty C. Công ty B nhận được nhiều cuộc gọi từ một số khách hàng thông báo về tình trạng khách hàng nhận được các cuộc gọi, tin nhắn của nhân viên công ty A hỏi thăm sức khỏe, rồi sau đó chào mời mua hàng và có nói xấu doanh nghiệp B như “chị phải cẩn trọng doanh nghiệp A làm ăn mang nhiều điều tiếng lắm”, “họ thường hay vi phạm hợp đồng với khách hàng”, “nhân viên bên đó tư vấn sai cho khách hàng”, “bên đó khó khăn lắm”, “mua hàng bên em thì sẽ được chiết khấu và quà tặng rất hấp dẫn, em sẽ chăm sóc chị chu đáo”, thậm chí nhân viên công ty A còn gửi hình chụp nhận xét của một cá nhân trên mạng xã hội cho khách hàng xem. Một số khách hàng cảm thấy lo lắng và đã liên hệ công ty B để yêu cầu làm rõ sự thật và nếu không giải quyết thắc mắc thỏa đáng sẽ hủy hợp đồng và yêu cầu trả lại tiền cọc. Công ty B đã rất bất ngờ trước các thông tin bịa đặt về công ty và nhân viên của mình.
Trách nhiệm của cá nhân
Có được khách hàng là mong muốn và nỗ lực bằng các cách thức khác nhau của đội ngũ nhân viên bán hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi hoạt động tìm kiếm khách hàng vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật thì cần xem xét trách nhiệm pháp lý. Về mặt pháp lý, hành vi của cá nhân nói trên có thể xem xét dưới hai khả năng (i) có thể chỉ đơn thuần là hành vi cá nhân của nhân viên vì muốn đưa được khách hàng về cho công ty của mình, theo đó, đạt được chỉ tiêu khách hàng mà công ty đặt ra, và (ii) hành vi có thể có sự tiếp sức, thúc đẩy của công ty để gây rối hoạt động kinh doanh của công ty khác và lôi kéo khách hàng.
Mặc dù nhân viên bán hàng có quyền tiếp cận các khách hàng để mời chào mua hàng cho công ty của mình nhưng nếu nhân viên bán hàng chia sẻ thông tin bịa đặt về doanh nghiệp khác ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cá nhân, tổ chức khác thì hành vi đó có thể bị coi là vi phạm pháp luật liên quan như pháp luật hành chính, an ninh mạng hay thậm chí là pháp luật hình sự tùy thuộc đặc điểm, tính chất và mức độ của hành vi vi phạm. Theo Luật An ninh Mạng 2018, hành vi chia sẻ trên không gian mạng thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại về quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì được xác định là thông tin có nội dung làm nhục, vu khống . Điều 101.1.a của Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ vào ngày 03 tháng 2 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật. Nếu mức độ hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống với mức phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm, đồng thời còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Trường hợp hành vi của nhân viên có sự tác động, chỉ đạo hoặc dung túng, bao che của doanh nghiệp nhằm cản trở hoạt động kinh doanh, lôi kéo khách hàng của doanh nghiệp khác thì có thể xem xét đến trách nhiệm của pháp nhân doanh nghiệp ở khía cạnh luật cạnh tranh. Tham khảo Luật cạnh tranh 2018, hành vi cạnh tranh không lành mạnh được định nghĩa là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến cũng được liệt kê đưa vào các trường hợp bị cấm như: (i) Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó; (ii) Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó, và (iii) Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác.
Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, doanh nghiệp phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm pháp luật về cạnh tranh có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung như: (i) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, (ii) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh, (iii) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài các hình thức xử phạt thì có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như cải chính công khai hoặc các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm. Về mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức có hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là hai tỷ đồng.
Thiết nghĩ, cá nhân, doanh nghiệp có quyền tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng cũng như quyền tự do cạnh tranh nhưng các hoạt động cần phải thực hiện trên nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Phải hiểu rằng cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật .
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers