Tại Việt Nam, cho tới thời điểm trước khi Án lệ số 69/2023/AL được công bố, các vấn đề pháp lý liên quan đến thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động (“NCA”) chưa được điều chỉnh trực tiếp bởi bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào dẫn tới có nhiều quan điểm trái chiều khi áp dụng NCA trên thực tế. Theo đó, vào ngày 01 tháng 10 năm 2023, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số: 364/QĐ-CA để công bố 07 án lệ mới, trong đó bao gồm Án lệ số 69/2023/AL về thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh. Vậy, sau khi được ban hành, Án lệ 69/2023/AL có giải quyết được các vấn đề pháp lý xoay quanh NCA không?
I. Cơ sở pháp lý
• Hiến pháp ban hành bởi Quốc hội ngày 28 tháng 11 năm 2013 (“Hiến pháp 2013”);
• Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ban hành bởi Quốc hội ngày 20 tháng 11 năm 2019 (“BLLĐ 2019”);
• Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ban hành bởi Quốc hội ngày 18 tháng 6 năm 2012 (“BLLĐ 2012”);
• Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ban hành bởi Quốc hội ngày 24 tháng 11 năm 2015 (“BLDS 2015”);
• Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ban hành bởi Quốc hội ngày 14 tháng 06 năm 2005 (“Luật Thương mại 2005”);
• Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 ban hành bởi Quốc hội ngày 17 tháng 6 năm 2010 (“Luật TTTM 2010”);
• Luật việc làm số 38/2013/QH13 ban hành bởi Quốc hội ngày 16 tháng 11 năm 2013 (“Luật Việc làm 2013”);
• Án lệ số 69/2023/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua vào ngày 18 tháng 8 năm 2023 và được công bố theo Quyết định 364/QĐ-CA ngày 01 tháng 10 năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (“Án lệ 69”); và
• Quyết định 755/2018/QĐ-PQTT ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (“Quyết định 755”).
II. Khái niệm
Thoả thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động có thể được hiểu là cam kết của Người lao động (“NLĐ”) với Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) về việc sẽ không trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cho đối thủ cạnh tranh của NSDLĐ, hoặc thậm chí không được làm cho cùng một lĩnh vực ngành nghề trong một khoảng thời gian nhất định sau khi các bên chấm dứt Hợp đồng lao động.
Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay thì vấn đề thông tin, đặc biệt là bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ được xem là sự sống còn đối với các doanh nghiệp. Đó cũng là tài sản độc quyền, là công cụ để NSDLĐ kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, NSDLĐ ngày càng mong muốn bảo vệ tốt hơn các tài sản này của mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh, NLĐ từ đó cũng bị ràng buộc bởi các quy tắc, quy định và thoả thuận bảo mật, thoả thuận không cạnh tranh ngay cả khi họ đã chấm dứt Hợp đồng lao động.
Trên thực tế, NCA vẫn chưa được điều chỉnh một cách trực tiếp bởi bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Mặc dù pháp luật lao động hiện hành của Việt Nam đã mở rộng phạm vi thoả thuận của các bên, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động, nhưng thuật ngữ “thoả thuận không cạnh tranh” vẫn chưa được nhắc tới một cách chính thức, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật.
III. Tác động của Án lệ 69 đến NCA trong quan hệ lao động
Kể từ khi quyền thỏa thuận về các nội dung liên quan đến bảo vệ bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động được ghi nhận trong BLLĐ 2012 và tiếp tục kế thừa trong BLLĐ 2019, những vấn đề pháp lý liên quan đến NCA chẳng hạn như hiệu lực hay thẩm quyền giải quyết tranh chấp NCA vẫn chưa được thống nhất áp dụng. Theo đó, Án lệ 69 đã có tác động tích cực trong việc khẳng định và công nhận Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết chấp về NCA. Tuy nhiên, Án lệ 69 vẫn chưa giải quyết được những tranh cãi về hiệu lực của NCA. Cụ thể như được phân tích dưới đây:
1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp NCA
Trước đây, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp NCA của Trọng tài thương mại. Theo Điều 187 BLLĐ 2019, trước đó là Điều 200 BLLĐ 2012, tranh chấp lao động cá nhân không trao quyền cho Trọng tài mà chỉ thuộc về Hoà giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động và Toà án nhân dân. Từ đó, có hai quan điểm trái chiều đối với việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp này, một bên ủng hộ tranh chấp NCA không thuộc thẩm quyền của Trọng tài bởi đó là tranh chấp phát sinh trực tiếp từ một quan hệ lao động, và nếu đã là quan hệ lao động thì áp dụng pháp luật lao động để xác định thẩm quyền giải quyết theo 1 trong 3 phương thức trên. Một bên cho rằng xét trên góc độ dân sự về quyền tự do thoả thuận của các chủ thể khi tham gia vào một giao dịch dân sự, xét NCA là thỏa thuận độc lập với Hợp đồng lao động và xét trên góc độ thương mại, Luật TTTM 2010 xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu trong tranh chấp có ít nhất một bên tham gia hoạt động thương mại thì ở một khía cạnh nào đó, Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền đối với tranh chấp NCA. Tuy nhiên, vì chưa có quy định pháp luật cụ thể, việc áp dụng cũng tuỳ thuộc vào nhận định của Toà án đối với từng vụ tranh chấp.
Đến khi Án lệ 69 ra đời, Toà án đã xác định rằng: “tranh chấp về thoả thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh giữa hai bên được xác định là thoả thuận độc lập với hợp đồng lao động, thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại”.
Dựa theo nội dung vụ việc tại Quyết định 755 và nhận định trên của Toà án, có thể nhận thấy rằng, trong một quan hệ lao động (hoặc trước đó là quan hệ lao động), khi có tranh chấp về thoả thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh (thực chất vẫn là NCA) giữa NSDLĐ và NLĐ và có thoả thuận trọng tài, trong đó nếu NSDLĐ là thương nhân, có đăng ký kinh doanh, có hoạt động thương mại theo Luật Thương mại 2005, đồng thời một bên không đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thẩm quyền của Trọng tài trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, thì xác định NCA là một thoả thuận độc lập, khi có tranh chấp xảy ra thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài như sự lựa chọn trước đó của các bên kể từ khi ký kết.
Với nhận định nêu trên, Án lệ 69 thực tế đã giải quyết được bài toán xác định quyền giải quyết của Trọng tài đối với tranh chấp NCA giữa NLĐ và NSDLĐ. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để các bên, hoặc cơ quan có thẩm quyền dùng làm căn cứ và đưa ra các quyết định phù hợp.
2. Giá trị pháp lý của NCA
Về giá trị pháp lý của NCA, cho tới thời điểm trước khi Án lệ 69 được công bố, có hai luồng quan điểm như sau:
(i) Quan điểm thứ nhất cho rằng NCA không có giá trị pháp lý bởi vì vi phạm quyền tự do làm việc của người lao động. Cụ thể, căn cứ Khoản 1 Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”, Điểm a Khoản 1 Điều 5 BLLĐ 2019 quy định người lao động có quyền: “Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc”, Khoản 1 Điều 4 Luật Việc làm 2013 quy định một trong các nguyên tắc về việc làm bao gồm: “Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc” và Khoản 6 Điều 9 quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động”, việc NCA thỏa thuận người lao động không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh, hoặc không được tự do kinh doanh ngành nghề trong một thời gian nhất định là không phù hợp với các quy định nêu trên cũng như vi phạm điều cấm của luật, thậm chí là vi phạm Hiến pháp - một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn cả luật . Vì vậy, căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 117, Điều 122 và Điều 123 BLDS 2015, NCA với các nội dung như trên là vô hiệu.
(ii) Quan điểm thứ hai cho rằng NCA có hiệu lực pháp luật. Cụ thể, quan điểm này lập luận rằng NCA đã được giao kết dựa trên một trong các nguyên tắc cơ bản của dân sự đó là: “tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận” (Khoản 2 Điều 3 BLDS 2015). Nói cách khác, quyền tự do làm việc là “quyền” của người lao động, do đó, việc người lao động tự hạn chế “quyền” của mình, và ràng buộc thêm “nghĩa vụ” cho bản thân cũng tương tự như việc họ tham gia vào các loại giao dịch dân sự khác. Bên cạnh đó, như đã đề cập phía trên, việc pháp luật ghi nhận quyền thỏa thuận về các nội dung liên quan đến bảo vệ bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động trong BLLĐ 2012 và tiếp tục kế thừa trong BLLĐ 2019 cho thấy Việt Nam đã dần cởi mở hơn trong việc thừa nhận NCA.
Quan điểm thứ hai nêu trên đã được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng trong Quyết định 755 (nguồn của Án lệ 69) để công nhận hiệu lực của NCA. Cụ thể, Tòa án đã nhận định như sau (Tòa án đã viết tắt Thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh là NDA): “Xét thấy tại Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”. Trong trường hợp này, giữa bà T với Công ty R đã tự nguyện ký kết, khi ký bà T là người có đầy đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật, không bị ép buộc, lừa dối hay áp đặt ý chí để bà T phải chấp nhận ký NDA. Do đó, NDA có hiệu lực. Việc Hội đồng trọng tài công nhận hiệu lực của NDA là hoàn toàn đúng pháp luật.” Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần nhận định nêu trên của Tòa án trong Quyết định 775 không được đưa vào nội dung của Án lệ 69, cho thấy hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có cách áp dụng, đường lối xét xử thống nhất đối với hiệu lực của NCA. Như vậy, Án lệ 69 vẫn chưa giải quyết được tranh cãi về hiệu lực NCA.
IV. Kết luận
Án lệ 69 ra đời như một cơ sở quan trọng đưa ra giải pháp pháp lý cho việc khẳng định thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại đối với tranh chấp NCA. Mặc dù Án lệ 69 chưa ghi nhận giá trị của NCA, nhưng đây là một tín hiệu tốt cho thấy Việt Nam đã dần chú ý hơn về NCA. Có thể, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ hình thành các quy định pháp luật cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tạo nên một nền tảng pháp lý vững chắc điều chỉnh thoả thuận không cạnh tranh và từ đó, bảo vệ tốt hơn cho các bên trong mối quan hệ lao động.
ADK VIETNAM LAWYERS