Hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh vẫn được các cá nhân, hộ gia đình sử dụng khá phổ biến. Khi nền kinh tế biến động dẫn đến việc kinh doanh không được suôn sẻ hay vì một số lý do khách quan khác, hộ kinh doanh thường chọn phương án tạm ngừng hộ kinh doanh thay vì chấm dứt hoạt động. Để tạm ngừng kinh doanh, hộ kinh doanh cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan để tránh các rủi ro phát sinh. Dưới đây là một số thông tin tư vấn của chúng tôi liên quan đến vấn đề trên.
1. Hộ kinh doanh là gì?
Theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
2. Thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh
Bước 1: Nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh
Hộ kinh doanh gửi bộ hồ sơ tới Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh.
Hồ sơ bao gồm:
• Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh;
• Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc tạm ngừng kinh doanh (với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh);
• Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh (trong trường hợp được thực hiện bởi chủ thể không phải người đại diện hợp pháp của hộ kinh doanh).
Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
3. Xử phạt trong trường hợp không thực hiện thủ tục tạm ngừng hộ kinh doanh
Tại Điều 42 Nghị định 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt cụ thể đối với các hành vi liên quan đến việc tạm ngừng hộ kinh doanh. Cụ thể:
Đối với hành vi tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký:
• Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
• Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Lưu ý: Mức xử phạt này được áp dụng đối với cá nhân
4. Một số lưu ý khi tạm ngừng kinh doanh
• Trường hợp tạm ngừng kinh doanh dưới 30 ngày, hộ kinh doanh không cần phải thực hiện thủ tục thông báo.
• Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, ngoài việc thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, hộ kinh doanh phải nộp hồ sơ tới Cơ quan thuế trực tiếp quản lý.
• Pháp luật hiện hành không còn quy định về thời hạn tạm ngừng kinh doanh tối đa đối với hộ kinh doanh.
• Để tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, hộ kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Công ty ADK Vietnam Lawyers