Dẫn nhập:
Vào ngày 30 tháng 6 năm 2023, Chính phủ đã ban hành thông tư 08/2023/TT-NHNN (“Thông tư 08”), thay thế Thông tư số 12/2014/TT-NHNN, quy định về điều kiện vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh. Từ đây các khoản vay nước ngoài sẽ được siết chặt lại hơn, đảm bảo việc quản lý nền tài chính và ngân khố của quốc gia.
Thông tư 08/2023/TT-NHNN chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 và đã có một số thay đổi so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đó. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến điểm mới liên quan đến giới hạn mục đích vay nước ngoài trong trường hợp bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (doanh nghiệp).
1. Đối với khoản vay ngắn hạn
Theo quy định tại Thông tư 08, doanh nghiệp khi vay vốn nước ngoài đối với khoản vay ngắn hạn cần chứng minh mục đích vay của mình, trong đó, việc vay ngắn hạn nước ngoài chỉ được cho phép để “thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả”. Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, nợ ngắn hạn được hiểu là tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường, như: Các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, phải trả người bán, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người lao động, chi phí phải trả, phải trả nội bộ, doanh thu chưa thực hiện, dự phòng phải trả… tại thời điểm báo cáo.
Quy định tại Thông tư 08 được xem như là một hành lang giới hạn, tạo thuận lợi cho việc quản lý tài chính cho cơ quan nhà nước khi tiếp cận bằng phương pháp “chọn-cho” thay vì “chọn-bỏ” như trong quy định của Thông tư 12/2014/TT-NHNN.
Trước đây, Thông tư 12/2014/TT-NHNN chỉ quy định việc vay ngắn hạn nước ngoài không được dùng cho các mục đích sử dụng vốn trung và dài hạn, do đó, việc vay vốn ngắn hạn nước ngoài hoàn toàn có thể nhằm mục đích thanh toán các khoản nợ dài hạn. Tuy nhiên, vì sự cho phép này cùng sự đơn giản trong thủ tục huy động vốn dẫn đến dòng vốn vay ngắn hạn tăng trưởng cao, dễ gây ra tình trạng vốn ảo, tài sản ảo của doanh nghiệp, đến cuối cùng, các nhà đầu tư tài chính, lại là nạn nhân trong “vũng lầy” bong bóng chứng khoán.
Ngoài ra, doanh nghiệp khi vay vốn nước ngoài cũng cần cung cấp thêm tài liệu về phương án sử dụng vốn vay, trong đó nêu rõ thông tin, mục đích của khoản vay, nhu cầu sử dụng vốn vay nước ngoài,… Đây cũng là yêu cầu chưa từng được áp dụng đối với việc vay vốn ngắn hạn trong Thông tư 12/2014/TT-NHNN cũng như Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Như vậy, không chỉ đơn thuần là quy định mà hiện tại, phương án sử dụng vốn vay đã được hướng dẫn chi tiết về nội dung, từ đó, thể hiện quyết tâm của ngân hàng nhà nước trong việc thắt chặt các tiêu chí áp dụng đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn.
2. Đối với khoản vay trung và dài hạn:
Điểm đáng chú ý nhất của khoản vay trung và dài hạn chính là sự mở rộng mục đích sử dụng khoản vay nước ngoài từ việc sử dụng vốn vay nước ngoài không chỉ để phục vụ cho dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà còn cho “dự án khác” của nhà đầu tư. Trong đó,
Dự án đầu tư là “tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.” hay “là các dự án được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Dự án khác là dự án không thuộc trường hợp dự án đầu tư như quy định trên.
Như vậy, với khái niệm “dự án khác” nhà làm luật một mặt tiếp tục “bỏ ngỏ” quy định về việc khoản vay nước ngoài có được chấp thuận cho hoạt động đầu tư vốn hay không, mặt khác lại gián tiếp cho Ngân hàng nhà nước một số quyền xem xét phương án sử dụng vốn vay để đầu tư vốn (M&A), cụ thể là để thanh toán tiền mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần trong công ty cổ phần chưa niêm yết. Điều này cũng 1 phần tương thích trong bối cảnh khoản vay trong nước cho cùng mục đích đã không còn bị giới hạn với quy định tại Thông tư 10/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về bãi bỏ hạn chế đối việc vay vốn để đầu tư vốn. Nhờ đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn có sẵn, hỗ trợ cho hoạt động M&A được thực hiện, cải thiện nguồn cung cho thị trường.
3. Thắt chặt quy định về vay vốn nước ngoài ngắn hạn, nới lỏng vay vốn nước ngoài trung và dài hạn
Trên thực tế, dòng vốn vay nước ngoài ngắn, trung và dài hạn đang chiếm tỉ lệ cao trên thị trường chứng khoán, bất động sản, chiếm khoảng 70-80% tổng dư nợ vay nước ngoài tự vay tự trả của nền kinh tế. Vì vậy, việc nhà làm luật đang ngày càng siết chặt hơn quy định về vay vốn nước ngoài ngắn hạn, nhưng đồng thời lại mở rộng cho vốn vay trung và dài hạn (về vay để đầu tư vốn) là hoàn toàn hợp lý. Một mặt, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, việc thắt chặt tất cả khoản vay nước ngoài của khối doanh nghiệp sẽ có hệ lụy nhất định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vì vậy, vẫn cần giữ và mở rộng cho khoản vay trung và dài hạn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, khoản vay nước ngoài ngắn hạn, hiện tại vẫn chưa được bảo đảm bởi một thủ tục nào trong khi các khoản vay trung và dài hạn đều phải được duyệt thông qua việc đăng ký khoản vay với ngân hàng nhà nước, do vậy, vẫn cần thiết phải thắt chặt để bảo đảm sự kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn vay của cơ quan nhà nước.
ADK VIETNAM LAWYERS
[2] Điều 3.4 Luật Đầu tư 2020
[3] Điều 3.3 Thông tư 08/2023/TT-NHNN.
[4] Điều 3.4 Thông tư 08/2023/TT-NHNN.