BẢN TIN PHÁP LUẬT
Tháng 03/2023
Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,
ADK Vietnam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Tháng 03/2023 với các nội dung chính như sau:
1. Tiêu điểm pháp luật
1.1 Doanh nghiệp đã có thể thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu
Vào ngày 05/03/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (sau đây gọi là “Nghị định 08/2023/NĐ-CP”).
Trước đây, tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP thì doanh nghiệp không được phép thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành. Tuy nhiên, tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP thì việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu sẽ được tiến hành nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
(i) Tuân thủ quy định tại Điều 1.3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP về điều kiện để thay đổi trái phiếu;
(ii) Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư;
(iii) Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký
1.2 Ban hành một số giải pháp tháo gỡ thị trường Bất Động Sản
Vào ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (sau đây gọi là “Nghị Quyết số 33/NQ-CP”). Sự ra đời của Nghị Quyết đã giúp thị trường bất động sản thảo gỡ được một số khó khăn và mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
Theo đó, Nghị Quyết số 33/NQ-CP đã tập trung giải quyết vào những vấn đề sau:
(i) Hoàn thiện thể chế: Nghị Quyết số 33/NQ-CP đã yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiệt các nghị định liên quan đến việc thi hành Luật Đất Đai, Luật Đầu Tư, các nghị định liên quan đến quản lý của Bộ Xây Dựng,…Đồng thời tập trung thảo gỡ cho các dự án đang được triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường;
(ii) Nguồn vốn tín dụng: Nghị Quyết số 33/NQ-CP cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…);
(iii) Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước;
(iv) Nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp: Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh...) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.
Nghị Quyết số 33/NQ-CP có hiệu lực từ ngày ký.
1.3 Quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa ASEAN - Nhật Bản
Vào ngày 23/12/2022 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư Số: 37/2022/TT-BCT về quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - NHẬT BẢN (Hiệp định AJCEP) (sau đây gọi tắt là “Thông tư Số: 37/2022/TT-BCT”).
Theo đó, thông tư Số 37/2022/TT-BCT có những điểm nổi bật sau đây:
(i) Thông tư quy định, hàng hóa được coi là có xuất xứ của một nước thành viên nếu hàng hóa đó: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó; đáp ứng các quy định trong trường hợp sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ; được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên;
(ii) Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng các quy định và được vận chuyển trực tiếp từ nước thành viên xuất khẩu tới nước thành viên nhập khẩu.
Thông tư Số 37/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/03/2023
2. Một số văn bản pháp luật nổi bật có hiệu lực từ tháng 03/2023
STT
|
Tên văn bản
|
Ngày ban hành
|
Ngày có
Hiệu lực
|
LUẬT
|
-
|
Luật Phòng, chống rửa tiền của Quốc hội, số 14/2022/QH15
|
15/11/2022
|
01/03/2023
|
NGHỊ ĐỊNH
|
-
|
Nghị định 02/2023/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
|
01/02/2023
|
20/03/2023
|
THÔNG TƯ
|
-
|
Thông tư 04/2023/TT-BTC về việc hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội
|
19/01/2023
|
19/03/2023
|
-
|
Thông tư 01/2023/TT-BXD về việc quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng
|
16/01/2023
|
16/01/2023
|
-
|
Thông tư 37/2022/TT-BCT về việc quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản
|
23/12/2022
|
01/03/2023
|
Chúng tôi hy vọng bản cập nhật pháp lý này có nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Trân Trọng.
Tải bản đầy đủ.