Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 148/2020/NĐ-CP;
- Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
- Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.
Các trường hợp nào người sử dụng đất tiến hành đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (“GCNQSDĐ”) lần đầu?
- Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;
- Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
- Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
- Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.
Hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ lần đầu bao gồm những loại giấy tờ nào?
Theo Điều 8.1 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ đề nghị bao gồm:
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK của Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
- Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
- Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
- Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
- Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 theo Mẫu số 08/ĐK của Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
- Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh thì ngoài giấy tờ quy định tại các Điểm a, b và d trên đây phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về vị trí đóng quân hoặc địa điểm công trình; bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn các quân khu, trên địa bàn các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà có tên đơn vị đề nghị cấp GCNQSDĐ;
- Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
(*) Người nộp hồ sơ được quyền lựa chọn một trong các hình thức nộp hồ sơ như sau:
- Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;
- Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao;
Thủ tục đăng ký cấp GCNQSDĐ như thế nào?
Theo Điều 1.19 Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì thủ tục đăng ký và cấp GCNQSDĐ lần đầu được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Đối với nơi Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất thì chủ thể có nhu cầu đăng ký nộp hồ sơ tại văn phòng Văn phòng/ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai:
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định (Điều 2.40 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).
Bước 3: Giải quyết
Bộ phận một cửa thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại địa điểm ngoài trụ sở Văn phòng/ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Người đăng ký thực hiện nghĩa vụ tài chính và lưu giữ chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính để xuất trình khi nhận GCNQSDĐ.
Bước 4: Trả kết quả
Sau khi UBND cấp huyện quyết định cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ cập nhật thông tin vào Sổ địa chính và trao GCNQSDĐ cho người được cấp đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính (hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định được miễn nghĩa vụ tài chính); hoặc gửi GCNQSDĐ cho UBND cấp xã để trao cho người được cấp đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Kết quả được trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết; Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì cơ quan nhận hồ sơ có trách nhiệm trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do không đủ điều kiện giải quyết. Trường hợp đăng ký lần đầu mà không đủ điều kiện cấp GCNSDĐ thì người đang sử dụng đất được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ.
Thời hạn giải quyết
Căn cứ Điều 2.40 Nghị định 01/2017/NĐ-CP:
- Trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất: không quá 30 ngày làm việc;
- Trường hợp người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng: không quá 15 ngày làm việc;
- Trường hợp đăng ký thay đổi tài sản gắn liền với đất là không quá 15 ngày làm việc;
- Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày làm việc, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
- Thời gian này không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Hậu quả pháp lý của việc không thực hiện thủ tục đăng ký đất đai
Theo Điều 17 Nghị Định 91/2019/NĐ-CP, thì trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu thì xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Tại khu vực nông thôn:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu;
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
- Tại khu vực đô thị: mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt tại khu vực nông thôn với hành vi vi phạm tương ứng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers