Doanh nghiệp FDI cần được hiểu không phải là một loại hình doanh nghiệp mà nghĩa là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment) và trong các hoạt động kinh doanh luôn sử dụng thuật ngữ này. Do đó, không có quy định cụ thể về thành lập doanh nghiệp mà cần dựa vào các quy định hiện hành của Luật Đầu tư 2020 để xác định loại hình doanh nghiệp FDI và cách thức thành lập doanh nghiệp này.
1. Các hình thức đầu tư thành lập doanh nghiệp FDI
Theo Điều 3.22 Luật Đầu tư 2020, doanh nghiệp FDI là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tức tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Theo Điều 3.19 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Doanh nghiệp FDI phải có ít nhất một trong những đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài như trên đứng ra thành lập hoặc góp vốn.
Hình thức đầu tư để trở thành doanh nghiệp FDI (Điều 23 Luật Đầu tư 2020; Điều 63 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)
• Thành lập doanh nghiệp có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài;
• Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác;
2. Hình thức của doanh nghiệp FDI theo quy định của pháp luật Việt Nam
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 thì doanh nghiệp FDI có thể tồn tại theo các hình thức sau:
• Công ty TNHH 1 thành viên;
• Công ty TNHH 2 thành viên trở lên;
• Công ty cổ phần;
• Công ty hợp danh.
3. Thành lập doanh nghiệp FDI
Theo Điều 22.1.c Luật Đầu tư 2020, trường hợp thành lập mới doanh nghiệp FDI (tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài), nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, phải thực hiện thủ tục xin cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Điều 39 Luật Đầu tư 2020, Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thuộc về:
• Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền cơ quan đăng ký đầu tư.
• Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền cơ quan đăng ký đầu tư.
• Cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:
(i) Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
(ii) Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
(iii) Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
• Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cá nhân, tổ chức tiến hành chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp để nộp lên Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Công ty ADK Việt Nam Lawyers