A. Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Theo điều 4 khoản 21 Thông tư 219/2013/TT-BTC” về đối tượng không chịu thuế GTGT:
“Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị. Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”
Như vậy sản xuất phần mềm máy tính và dịch vụ phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nếu sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm của Công ty được cung cấp và được tiêu dùng tại Việt Nam.
B. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
1. Chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC và Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung cho Thông tư này, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm được hưởng các ưu đãi sau:
- Năm thứ 1 đến năm thứ 4: Miễn thuế Thu nhập Doanh nghiệp.
Năm miễn thuế, giảm thuế xác định phù hợp với kỳ tính thuế. Thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế, giảm thuế tính liên tục kể từ kỳ tính thuế đầu tiên doanh nghiệp bắt đầu có thu nhập thuế (chưa trừ số lỗ các kỳ tính thuế trước chuyển sang).
Nếu từ năm 01 đến năm 03 không có thu nhập chịu thuế thì vẫn chưa tính là thời điểm bắt đầu được ưu đãi miễn thuế. Nhưng đến năm thứ 4 thì bắt buộc phải tính là năm đầu tiên được ưu đãi miễn thuế TNDN cho dù chưa có thu nhập chịu thuế.
- Năm thứ 5 đến năm thứ 13: Giảm 50% thuế Thu nhập Doanh nghiệp với thuế suất 10%, tức chỉ phải nộp 5%
- Năm thứ 14 và 15: Nộp thuế Thu nhập Doanh nghiệp với thuế suất 10%
- Từ năm thứ 16: Nộp 100% thuế Thu nhập Doanh nghiệp theo thuế suất phổ thông (là 20%)
*Lưu ý rằng:
- Nếu là DN mua/bán phần mềm thì không được hưởng ưu đãi về thuế TNDN như trên.
- Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm.
2. Điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế TNCN từ hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm
Để được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động sản xuất phần mềm, trước hết doanh nghiệp cần phải chứng minh mình có hoạt động sản xuất sản phẩm này.
Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 13/2020/TT-BTTTT, doanh nghiệp sẽ được xác định là có hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm nếu thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn là: Xác định yêu cầu; Phân tích và thiết kế trong số 07 công đoạn của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm:
- Xác định yêu cầu của khách hàng;
- Phân tích và thiết kế theo yêu cầu;
- Lập trình, viết mã lệnh;
- Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm;
- Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm phần mềm;
- Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm;
- Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm.
Mỗi một công đoạn sẽ bao gồm nhiều nội dung (tác nghiệp) khác nhau, doanh nghiệp cần phải thực hiện ít nhất một tác nghiệp trong công đoạn để được coi là có thực hiện công đoạn đó.
Cần lưu ý rằng, các sản phẩm phần mềm mà doanh nghiệp sản xuất phải nằm trong các Danh mục các sản phẩm phần mềm ban hành theo Thông tư 09/2013/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông thì mới là đối tượng phần mềm được hưởng ưu đãi về thuế. Trong đó, Phần mềm chuyên ngành Giáo dục đào tạo (bao gồm các loại phần mềm như: phần mềm dạy học, phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý nghiệp vụ trường học, …) thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm quy định tại Phụ Lục 1 của Thông tư 09/2013/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Thành phần hồ sơ chứng minh việc đáp ứng điều kiện
Các tài liệu cần thiết để chứng minh việc doanh nghiệp đã thực hiện các công đoạn tại Mục 2 nêu trên bao gồm:
*Đối với công đoạn Xác định yêu cầu:
- Mô tả ý tưởng về phương thức phát triển sản phẩm;
- Mô tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm;
- Mô tả đề xuất, kết quả khảo sát, kết quả làm rõ, hoàn chỉnh yêu cầu đối với sản phẩm;
- Mô tả phân tích chi tiết nghiệp vụ;
- Mô tả yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm;
- Mô tả nội dung tư vấn điều chỉnh quy trình;
- Biên bản thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, mô tả khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu của sản phẩm.
*Đối với công đoạn Phân tích và thiết kế:
- Mô tả yêu cầu;
- Mô tả bài toán phát triển;
- Mô tả các kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm vào môi trường vận hành, liệt kê các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật khi cần thiết;
- Mô tả mô hình dữ liệu, mô hình chức năng, mô hình luồng thông tin;
- Mô tả giải pháp phần mềm;
- Thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống phần mềm, thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần của phần mềm;
- Thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm;
- Thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng.
4. Thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế TNDN
Theo quy định của Thông tư 78/2014/TT-BTC, Công ty phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế TNDN và thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.
Công ty thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai để được áp dụng ưu đãi.
Công ty tự xác định các điều kiện ưu đãi thuế, mức ưu đãi thuế TNDN được hưởng để tự kê khai và tự quyết toán thuế với cơ quan thuế. Cơ quan thuế chỉ kiểm tra, thanh tra về việc đáp ứng các điều kiện nêu trên của doanh nghiệp và trong trường hợp việc kiểm tra cho thấy doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện để được hưởng ưu đãi về thuế thì cơ quan thuế sẽ tiến hành xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật liên quan.