Ở Việt Nam hiện nay mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến đặc biệt là facebook với hàng triệu người dùng. Facebook cũng là kênh truyền thông mà các doanh nghiệp thường sử dụng để giới thiệu, quảng báo sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Các cá nhân, doanh nghiệp cũng thường tạo các trang fanpage và tham gia vào các hội, nhóm có số lượng thành viên có khi lên đến hàng chục ngàn thành viên nơi mà họ có chung mối quan tâm chung hoặc để mua bán/trao đổi hàng hóa, thông tin. Sự việc xảy ra rằng một cá nhân đăng tải thông tin phàn nàn, xuyên tạc, nói xấu về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trên các diễn dàn, chia sẻ thông tin lên các hội nhóm thành viên. Với một bài đăng không những có số lượt theo dõi tương ứng với số thành viên mà còn nhận số lượt “like”, bình luận “comment” mặc dù thông tin chưa được kiểm chứng. Sau sự việc đó, nhiều khách hàng của doanh nghiệp đó liên hệ với doanh nghiệp hỏi thăm thông tin, bày tỏ sự e ngại về chất lượng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp, nhiều khách hàng yêu cầu hủy hợp đồng và đòi lại tiền cọc. Uy tín và cơ hội kinh doanh bị thiệt hại vô cùng to lớn. Đứng trước tình thế như vậy doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
Doanh nghiệp có thể cân nhắc tiến hành một số công việc cần thiết như sau:
Bước 1: Thu thập chứng cứ
Khi doanh nghiệp phát hiện bị bất kỳ cá nhân, tổ chức khác đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, nhằm hạ thấp uy tín, xâm phạm hoạt động kinh doanh hợp pháp của mình, có thể việc đầu tiên mà doanh nghiệp nên làm chính là thu thập chứng cứ về hành vi đăng tải bài viết hình ảnh đó. Việc này có thể giúp doanh nghiệp có cơ sở, có chứng cứ hợp pháp trong việc xử lý sự việc theo quy định của pháp luật kể cả khi bài viết, hình ảnh đăng tải đã được xóa do cá nhân, tổ chức đó sau khi họ đã đạt được mục đích “hạ bệ” doanh nghiệp.
Để chứng cứ đảm bảo giá trị pháp lý, doanh nghiệp nên liên hệ và đề nghị văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự việc, hành vi đăng tải bài viết, hình ảnh nêu trên. Theo quy định của pháp luật, vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét giải quyết vụ việc.
Bước 2: Hành động pháp lý
Tùy mức độ vi phạm, động cơ thực hiện hành vi cũng như thiệt hại, doanh nghiệp có thể quyết định các giải pháp pháp lý để giải quyết vụ việc.
1. Yêu cầu gỡ bỏ bài đăng
Đối với doanh nghiệp, việc gỡ bỏ bài viết, hình ảnh bị vu khống càng sớm càng tốt để giảm thiểu thiệt hại, tổn thất cho nên doanh nghiệp nên sớm liên hệ và yêu cầu cá nhân, tổ chức đó phải gỡ bỏ, cải chính thông tin.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể mời cá nhân, tổ chức đã có hành vi trên tham gia cuộc họp để làm rõ vướng mắc, nguyên nhân của hành vi đăng tải thông tin cũng như tìm kiếm giải pháp giải quyết vụ việc trên tinh thần ôn hòa và thiện chí.
2. Khởi kiện dân sự
Căn cứ theo Khoản 3 và Khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, doanh nghiệp có quyền khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu người đăng tải phải gỡ bỏ thông tin không đúng, xin lỗi và cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Doanh nghiệp sẽ chuẩn bị đơn khởi kiện và các tài liệu chứng minh cho các yêu cầu là có căn cứ và hợp pháp.
3. Yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 của Luật An ninh Mạng 2018:
“3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Căn cứ khoản 9 Điều 16 của Luật an ninh Mạng 2018, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, gây thiệt hại quyền và lợi ích cả cơ quan, tổ chức thì phải gỡ bỏ các thông tin đó.
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ vào ngày 03 tháng 2 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật.
Theo đó, doanh nghiệp có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm hành chính để đảm bảo trật tự xã hội cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp của mình.
4. Tố giác đến Cơ quan Điều tra có thẩm quyền
Nếu hành vi đăng tin có dấu hiệu tội phạm, doanh nghiệp có thể tố giác hành vi vi phạm đến Cơ quan Điều tra có thẩm quyền để yêu cầu điều tra làm rõ hành vi vi phạm tương ứng với các tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Ví dụ: Tội vu khống – Theo Điều 156 Bộ Luật Hình Sự 2015, người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, đồng thời còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tóm lại, khi đối mặt với những thông tin xấu, sai sự thật, gây thiệt hại đến uy tín, hoạt động kinh doanh doanh nghiệp cần giữ thái độ bình tĩnh để tránh ảnh hưởng đến khách hàng cũng như uy tín của doanh nghiệp đồng thời doanh nghiệp cần đánh giá sự việc và xử lý vụ việc một cách kịp thời, văn minh, chuyên nghiệp dựa trên các các căn cứ pháp luật liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.