ADK Lawyers trân trọng giới thiệu đến quý khách hàng và đối tác một bài viết của Luật sư Hồ Thị Trâm và Luật sư Đỗ Đình Lâm có tiêu đề: “Vay ngắn hạn nước ngoài để trả lương - Vấn đề cần lưu ý” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 22/7/2021 với nội dung như sau:
"Trả lương cho người lao động là yêu cầu bắt buộc theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều gặp khó khăn về vốn. Để giải quyết vấn đề trước mắt, nhiều doanh nghiệp FDI phải tìm nguồn tài trợ vốn từ các khoản vay ngắn hạn nước ngoài không được Chính Phủ bảo lãnh. Song, doanh nghiệp FDI cũng gặp khó trên thực tế do những quy định chưa rõ ràng.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam bắt đầu từ những ngày cuối tháng tư đang ngày càng quyết liệt và cam go. Đi cùng với Covid-19 là thực trạng sụt giảm doanh thu, suy giảm giá trị tài sản tiếp tục làm nhu cầu vốn lưu động trong các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp FDI nói riêng hiện nay đang ở mức cao hơn bao giờ hết. Đặc biệt, việc trả lương cho người lao động là phải ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sự cầm cự của người lao động cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngoài tiếp cận nguồn vay trong nước, các doanh nghiệp FDI cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của công ty mẹ, tổ chức tín dụng ở nước ngoài nhằm tìm kiếm nguồn vốn thông qua các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm.
Bất cập giữa quy định và thực tiễn
Khoản trả lương được xếp vào nhóm nợ ngắn hạn và các doanh nghiệp thường sử dụng các khoản vay ngắn hạn (có thời hạn dưới một năm) để trang trải cho các nhu cầu vốn ngắn hạn trong đó có nhu cầu trả lương cho người lao động. Thực tế, trong giao dịch vay, các doanh nghiệp FDI (bên vay) thường thực hiện các thỏa thuận vay thông qua hợp đồng vay nước ngoài với bên cho vay là (các) ngân hàng tại quốc gia mà công ty mẹ có trụ sở chính và chính công ty mẹ sẽ đảm nhận vai trò bên bảo lãnh để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của bên vay với bên cho vay.
Dưới góc độ pháp lý, những phương thức vay nước ngoài ngắn hạn không được quy định cụ thể. Pháp luật chỉ đặt ra những điều kiện cho bên vay và bên cho vay, chủ yếu được quy định tại Thông tư 12/2014/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2014 quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (“Thông tư 12/2014”). Vì nhu cầu vay vốn cấp thiết, các doanh nghiệp FDI muốn vay ngắn hạn theo chu kỳ kinh doanh của mình. Theo đó, bên vay và bên cho vay sẽ thỏa thuận ký kết hợp đồng vay tối đa một năm, ví dụ 10 triệu USD, trong đó, bên vay lựa chọn giải ngân theo nhiều đợt, mỗi đợt có thể là một tháng hoặc hai tháng hoặc ba tháng với số tiền là những khoản chia nhỏ từ khoản tiền gốc 10 triệu USD ban đầu theo các mốc thời gian cố định trong từng đợt. Vào ngày đến hạn (due date) nếu bên vay không thực hiện hoàn trả, bên cho vay có quyền cấn trừ tại nguồn dư nợ gốc của bên vay và khoản tiền này được xem là khoản vay mới. Bên cạnh đó, bất kỳ khoản giải ngân mới nào cũng sẽ được bên vay trả cho bên cho vay với ngày đáo hạn cuối cùng là một năm kể từ lần giải ngân đầu tiên.
Những đặc điểm của phương thức vay mới này hoàn toàn trùng khớp với mô tả của khoản vay quay vòng áp dụng cho các tổ chức tín dụng trong nước. Qua Điều 27.7 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016, có thể xác định cho vay quay vòng có các đặc điểm: (i) Mục đích vay là nhằm tài trợ nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 01 (một) tháng, (ii) Bên vay được sử dụng dư nợ gốc, và của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo; và (iii) thời hạn cho vay không vượt quá 03 (ba) tháng.
Về nguyên tắc, bên vay không được vay ngắn hạn cho mục đích sử dụng vốn trung, dài hạn. Việc vay trả lương được coi là đã sử dụng đúng mục đích vay trả nợ ngắn hạn, đúng nguyên tắc kế toán của Việt Nam. Vì vậy, có thể hiểu rằng nếu khoản vay quay vòng như trên đã tuân thủ theo những quy định về điều kiện chung và điều kiện riêng được quy định cụ thể tại Thông tư 12/2014 cũng như các điều kiện khác trong Thông tư 03/2016/TT-NHNN ngày 26 tháng 2 năm 2016 hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp thì các bên hoàn toàn có thể ký kết, thực hiện và giao kết hợp đồng vay một cách hợp lệ.
Tuy nhiên thực tế, khi cấu trúc khoản vay nước ngoài mang tính chất như “khoản vay quay vòng”, sẽ khó có thể có được cái “gật đầu” từ ngân hàng nhà nước (NHNN). Điều này cũng có thể hiểu được bởi (i) NHNN lo lắng sẽ không kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp FDI khi các khoản vay quay vòng sẽ được thực hiện liên tục từ giải ngân, hoàn trả và cơ cấu lại khoản vay cho đến khi hết khoản nợ đều do các bên tự cấn trừ và thực hiện bởi chính bên vay và bên cho vay, (ii) đối với các khoản vay quay vòng trong nước, các ngân hàng thương mại và NHNN có thể dễ dàng kiểm soát được việc sử dụng khoản vay đúng mục đích hay không nhưng đối với các khoản vay quay vòng nước ngoài, các bên cho vay nước ngoài không chịu sự quản lý của NHNN, vì vậy, các khoản vay có thể bị sử dụng sai mục đích làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của bên vay tại Việt Nam và các chủ thể khác có giao dịch với bên vay, và (iii) các bên sẽ không được áp dụng những hình thức vay nước ngoài mà chưa được quy định cụ thể trong các văn bản có liên quan. Như một sự linh động, để tránh những rủi ro có thể phát sinh trong tương lai, bên vay và bên cho vay sau đó đã điều chỉnh lại phương thức vay, theo đó, hợp đồng vay ghi một cách chung nhất về khoản vay ngắn hạn dưới một năm, được trả làm nhiều lần do các bên tự thực hiện và bên vay sẽ không mất phí trả trước và có dòng tiền được giao dịch trên thực tế. Khi đó, mỗi lần trả nợ bên vay chỉ cần xuất trình hợp đồng vay cùng với giấy yêu cầu trả nợ (debit note) cho ngân hàng thương mại để thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, mặc dù tạo sự minh bạch trong giao dịch vay, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về vốn nhưng giải pháp này chỉ là một biện pháp thay thế tạm thời. Một hành lang pháp lý rõ ràng vẫn là rất cần thiết trong mọi trường hợp.
Từ kinh nghiệm thực tiễn
Để tháo gỡ vướng mắc, trong tình hình hiện tại, khi cần vay khoản vay ngắn hạn có lịch giải ngân và hoàn trả phức tạp, các doanh nghiệp nên liên hệ, kiểm tra với NHNN trước khi ký kết hợp đồng hợp đồng vay để tham khảo ý kiến của NHNN. Trong khi pháp luật cần có các quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng hơn về các hình thức vay nước ngoài theo hướng liệt kê các hình thức vay tương tự như các khoản vay trong nước hoặc tiếp cận theo hướng cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được thực hiện.
Thiết nghĩ, trong những tình huống cấp bách như dịch bệnh như hiện nay, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thuận lợi khoản vay ngắn hạn được nhanh chóng để giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sóng gió sau đại dịch là cần thiết. Dĩ nhiên, về phía doanh nghiệp cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc trả nợ và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật."