Án Lệ 22 giải đáp các vấn đề sau:
(i) Người mua bảo hiểm có vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hay không khi yêu cầu của công ty bảo hiểm là không rõ ràng?
(ii) Rủi ro pháp lý mà Công ty bảo hiểm phải gánh chịu phát sinh từ yêu cầu không rõ ràng của mình?
Tóm tắt sự việc
Theo Án lệ 22, Công ty bảo hiểm từ chối chi trả tiền bồi thường vì trước khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm (“HĐBH”), người mua bảo hiểm đã có tiền sử đau dạ dày và mỡ máu tăng nhưng không khai báo trong Đơn yêu cầu bảo hiểm. Phía Công ty bảo hiểm xuất trình được tài liệu hội chẩn của bệnh viện thể hiện người mua bảo hiểm có tiền sử đau dạ dày 2 năm làm chứng cứ kèm theo.
Theo quan điểm của Công ty bảo hiểm, cụm từ “rối loạn tại dạ dày” trong Đơn yêu cầu bảo hiểm bao gồm tất cả các bệnh liên quan đến dạ dày, trong đó có bệnh đau dạ dày. Việc người mua bảo hiểm đánh dấu vào ô “không” tại câu hỏi “Loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, viêm kết tràng, khó tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật?”, (nghĩa là người mua bảo hiểm khai không bị rối loạn dạ dày) là khai báo không trung thực.
Bên cạnh đó, Công ty bảo hiểm còn cung cấp phiếu xét nghiệm hóa sinh thu thập trong hồ sơ khám bệnh định kỳ của người mua bảo hiểm. Công ty bảo hiểm cho rằng đây cũng là hành vi cố tình khai báo không trung thực vì người mua bảo hiểm có làm xét nghiệm máu nhưng không khai báo trong Đơn yêu cầu.
Các vấn đề pháp lý
(i) Liệu có hay không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của người mua bảo hiểm?
Nguyên đơn cho rằng “đau dạ dày” và “rối loạn tại dạ dày” là hai khái niệm khác nhau. Không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng tỏ bệnh đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày. Và việc người mua bảo hiểm kiểm tra sức khỏe định kỳ là hoạt động bình thường mà cơ quan, nơi người mua bảo hiểm làm việc đã tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên. Hơn thế nữa, kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ không thể hiện người mua bảo hiểm bị bệnh nào liên quan đến việc từ chối ký HĐBH. Do đó, phía Công ty bảo hiểm cho rằng người mua bảo hiểm cung cấp thông tin không trung thực để từ chối chi trả bảo hiểm là không có cơ sở.
Như vậy khi giao kết HĐBH, Công ty bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho người mua. Nếu việc giải thích này không rõ ràng dẫn đến việc người mua không cung cấp đầy đủ thông tin thì coi như người mua không vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin.
(ii) Rủi ro pháp lý mà Công ty bảo hiểm phải gánh chịu phát sinh từ yêu cầu không rõ ràng của mình?
Người mua và người bán bảo hiểm có cách hiểu khác nhau về nội dung “đau dạ dày” và “rối loạn tại dạ dày”. Theo quy định của pháp luật về Dân sự và pháp luật về bảo hiểm, trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó (Điều 407.2, Điều 409.4 của Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 21 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000). Do đó, Tòa án nhận định không đủ cơ sở xác định đau dạ dày thuộc nội hàm của rối loạn dạ dày như ý kiến của Công ty bảo hiểm mà phải được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm.
Theo cách giải quyết của Án lệ 22, khi Công ty bảo hiểm yêu cầu cung cấp thông tin nhưng yêu cầu đó lại không rõ ràng dẫn đến việc các bên có cách giải thích điều khoản bảo hiểm khác nhau thì điều khoản này phải được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm.
Khi giải quyết các vấn đề liên quan đến vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin về tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc tham khảo và viện dẫn Án lệ 22 là cần thiết để giải quyết được thống nhất.
Tải bản đầy đủ.