Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sự tồn tại của doanh nghiệp và việc làm người lao động. Tình thế gian nan của doanh nghiệp kéo theo nỗi khổ của người lao động. Viễn cảnh tươi sáng cho người lao động và doanh nghiệp có thể không rõ ràng, nhưng cận cảnh khó khăn thì thấy được ngay trước mắt.
(*) LS. HỒ THỊ TRÂM – LS. ĐỖ ĐÌNH LÂM - VÕ TRẦN HOÀNG SA
Tình thế khó khăn chung của doanh nghiệp và người lao động
Trước khi đại dịch xảy ra không khó để bắt gặp các khẩu hiệu đề cao vai trò nguồn nhân lực như “con người là tài sản giá trị”, “nhân lực là yếu tố cốt lõi” hay “nhân lực là quan trọng nhất của doanh nghiệp”. Điều đó hoàn toàn đúng với thời kỳ bình thường trước khi đại dịch ập đến. Trong đại dịch, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó khăn do gánh nặng nhiều loại chi phí đặc biệt chi phí tiền lương, chi phí xét nghiệm và các chi phí khác để duy trì hoạt động sản xuất nếu doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Để cố gắng cầm cự, doanh nghiệp buộc phải áp dụng nhiều cách thức cắt giảm chi phí để mong vượt qua đại dịch. Một trong những chi phí cắt giảm đầu tiên mà doanh nghiệp nghĩ đến là chi phí nhân sự bằng cách thỏa thuận giảm lương, giảm giờ làm, giảm số lượng nhân sự, trả lương ngừng việc, nợ lương. Khi không đủ sức ở lại thị trường, doanh nghiệp buộc phải tìm cho mình các lối thoát pháp lý hoặc giải thể hoặc phá sản hoặc “bán mình” cho doanh nghiệp khác (M&A). Trong tình huống khó khăn nào doanh nghiệp gặp phải thì tương lai của người lao động cũng bất định theo đó.
Khi doanh nghiệp phá sản
Dưới góc độ pháp lý, những người quản lý doanh nghiệp có nghĩa vụ chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp của mình. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán nợ mà doanh nghiệp không còn khả năng chi trả thì một trong những người có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh bắt buộc phải chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Khi đó, người lao động trong những doanh nghiệp này cũng chịu thiệt thòi bởi theo thứ tự phân chia tài sản trong thủ tục phá sản thì ưu tiên hàng đầu mà doanh nghiệp phá sản phải chi trả là chi phí phá sản theo quy định rồi mới đến khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động và các quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.
Việc ưu tiên thanh toán thứ hai sau các chi phí phá sản là cơ hội mong manh để người lao động lấy được tiền lương và giành các quyền lợi khác cho mình. Thông thường, doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán là các doanh nghiệp đã hết tiền mặt, tài sản cố định có thể chỉ máy móc và đang phải đối mặt với những khoản nợ phải trả mà dù các tài sản còn lại được bán ngay lập tức cũng không đủ để thanh toán các khoản phải trả. Khi bán hết tài sản doanh nghiệp chủ yếu chỉ đủ chi trả chi phí phá sản. Trong một số ít trường hợp, tài sản còn lại sau khi phân bổ cho các chi phí phá sản của doanh nghiệp không đủ trả cho toàn bộ người lao động ở mức đảm bảo tất cả quyền lợi, thì người lao động sẽ chỉ được trả dựa theo tỷ lệ nợ lương. Doanh nghiệp không còn tài sản gì thì người lao động cũng vừa mất việc mà không nhận được lương và các quyền lợi từ người sử dụng lao động. Một trường hợp doanh nghiệp và người lao động phải chia tay nhau!
Khi doanh nghiệp giải thể
Giải thể đang là lựa chọn bất đắc dĩ của doanh nghiệp lựa chọn phổ biến nếu họ vẫn còn khả năng chi trả các khoản nợ để rút lui khỏi thị trường. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Theo thứ tự ưu tiên thanh toán trong Luật Doanh nghiệp 2020 thì các khoản nợ - các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết. Theo đó, trước khi doanh nghiệp giải thể, toàn bộ các khoản tiền lương, bảo hiểm và các khoản trợ cấp khác cho người lao động phải được ưu tiên thanh toán số một. Trường hợp này quyền lợi của người lao động tuy được đảm bảo nhưng doanh nghiệp chấm dứt hoạt động đồng nghĩa với người lao động cũng không còn việc làm. Một trường hợp nữa doanh nghiệp và người lao động phải chia tay nhau!
Khi doanh nghiệp “bán mình” (M&A)
Trong bối cảnh khủng hoảng, số ít các doanh nghiệp vẫn nắm giữ được cho mình những tài sản vô hình hay tiềm năng phát triển sau đại dịch cũng có thể phải chấp nhận bán mình, sáp nhập hoặc hợp nhất với các doanh nghiệp khác. Hoạt động M&A khá phổ biến và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích thương mại của các bên, có thể kể đến một số giao dịch thường gặp: (i) mua bán cổ phần/ phần vốn góp; (ii) sáp nhập; (iii) chuyển nhượng tài sản trọng yếu; hoặc (iv) hợp nhất. Nhìn chung, thông qua M&A, nhiều doanh nghiệp trong giao dịch có thể có được nhiều lợi ích kinh tế khi tập trung vào việc sở hữu “vốn và/hoặc tài sản”, lợi ích từ giá trị cộng hưởng, hoặc tiềm năng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu.
Theo Bộ luật Lao động 2019 , trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật Lao động 2019. Doanh nghiệp hợp nhất, doanh nghiệp sau sáp nhập vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng lao động đã ký với người lao động. Theo đó, doanh nghiệp nhận sáp nhập/ hợp nhất phải đảm bảo kế thừa các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng lao động đã ký giữa người lao động và doanh nghiệp trước đó, bao gồm ở việc duy trì cho người lao động cùng công việc, chế độ lương, cùng các chế độ đãi ngộ khác theo hợp đồng lao động đã ký. Tuy nhiên, trong một cuộc chiến dài hơi, khả năng tài chính của các doanh nghiệp đã suy giảm, các doanh nghiệp hầu như đành chọn phương án thỏa thuận với người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động bất chấp những rủi ro về thiếu hụt lao động sau khi đợt dịch kết thúc. Một tình huống nữa mà hoàn cảnh có thể đẩy người lao động và doanh nghiệp cũng phải “chia tay” nhau.
Nhìn chung, nếu doanh nghiệp đã rơi vào tình huống sống còn như hiện nay thì người lao động cũng khó lòng không chung số phận với doanh nghiệp. Mong có nhiều giải pháp hơn nữa để doanh nghiệp tiếp tục tồn tại từ đó có thể đảm bảo người lao động duy trì cơ hội việc làm và luôn là giá trị lớn nhất, cùng chung một con đường phát triển với doanh nghiệp.
(*) Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers và InvestConsult Group