Cập nhập: 13.02.2025
Thực tiễn hiện nay, không khó để tìm thấy những doanh nghiệp đứng ra tài trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các cá nhân thực hiện việc sáng tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ bao gồm cả sáng chế. Pháp luật về sở hữu trí tuệ có những quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này mà các bên cần biết để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cơ sở pháp lý:
– Luật Sở hữu Trí tuệ 2005;
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ 2009; và
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Sở hữu Trí tuệ 2019;
1. Ai có quyền đăng ký bảo hộ sáng chế và trở thành chủ sở hữu văn bằng bảo hộ?
Theo Điều 86.1 (b) và Điều 121 Luật Sở hữu Trí tuệ, tổ chức (sau đây gọi tắt là “Tổ Chức Giao Việc”) đầu tư kinh phí và phương tiện vật chất dưới hình thức giao việc, thuê việc đối với tác giả để tạo ra sáng chế có quyền đăng ký sáng chế và trở thành chủ sở hữu được ghi nhận trên văn bằng bảo hộ.
Giữa Tổ Chức Giao Việc và tác giả có thể ký các loại hợp đồng sau:
– Hợp đồng giao việc (trong trường hợp tác giả là người lao động của tổ chức đó); hoặc
– Hợp đồng thuê việc (nếu tác giả không phải là người lao động của tổ chức).
2. Phân chia quyền lợi giữa chủ sở hữu (Tổ Chức Giao Việc) và tác giả như thế nào cho đúng quy định?
– Đối với tác giả, người trực tiếp sáng tạo ra sáng chế, sẽ có hai nhóm quyền chủ yếu:
+ Quyền nhân thân: quyền được ghi tên là tác giả trên bằng độc quyền sáng chế, được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế.
+ Quyền tài sản: trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, tác giả sẽ được hưởng tối thiểu 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế và 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Trong trường hợp có nhiều hơn một tác giả, mức thù lao tối thiểu này là dành cho tất cả các đồng tác giả, họ sẽ tự thoả thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả. Trường hợp chủ sở hữu và tác giả có thỏa thuận khác về thanh toán thù lao cho tác giả thì thỏa thuận này có thể được áp dụng mà không cần tuân theo mức thù lao kể trên.
– Đối với Tổ Chức Giao Việc có quyền:
+ Trực tiếp sử dụng, khai thác hoặc cho phép người khác sử dụng, khai thác công dụng của sáng chế.
+ Ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế được bảo hộ;
+ Tự do định đoạt việc chuyển nhượng sáng chế trong phạm vi được bảo hộ.
3. Các nội dung nên được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng giao việc, thuê việc
– Quan hệ giao việc/thuê việc giữa các bên: Bên cạnh việc Tổ Chức Giao Việc có quyền đăng ký bảo hộ sáng chế, chính các tác giả cũng có quyền đăng ký bảo hộ sáng chế nếu họ tự tạo ra sáng chế bằng chính chi phí của mình. Hoàn toàn có rủi ro nếu không có các hợp đồng ràng buộc chặt chẽ, các tác giả có thể tự mang sáng chế đi đăng ký dưới tên mình. Do đó, việc ký kết một hợp đồng thể hiện rõ quan hệ hợp tác giữa Tổ Chức Giao Việc và tác giả là hoàn toàn cần thiết. Để đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro, hợp đồng giao việc, thuê việc nên quy định rõ rằng tác giả sáng tạo ra sáng chế theo sự giao việc, thuê việc của Tổ Chức Giao Việc và bằng chi phí của tổ chức này.
– Quyền và nghĩa vụ của các bên: bao gồm thù lao sẽ trả cho tác giả, quyền đăng ký của bên giao việc, thuê việc và cam kết của tác giả liên quan đến việc không được đi đăng ký bảo hộ sáng chế cho cá nhân mình.