Tầm quan trọng của bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, các doanh nghiệp ngoài việc hoạt động chăm lo phát triển cho quy trình sản xuất, kinh doanh hằng ngày thì một vấn đề khác cũng vô cùng quan trọng phải chú trọng đó là vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh, bí quyết công nghệ. Bởi rằng để tạo ra một sản phẩm khác biệt và chất lượng, người sử dụng lao động đã bỏ công sức, tiền bạc để nghiên cứu và tìm ra công thức, và đưa vào sản xuất, kinh doanh. Khi ra thị trường sản phẩm được đón nhận, tiêu thụ cho nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng phát triển. Khi đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng mong muốn có được công thức, bí quyết tạo ra sản phẩm đó để kinh doanh. Nếu công thức, bí mật kinh doanh, công nghệ bị tiết lộ cho cá nhân, doanh nghiệp khác thì có thể cá nhân, doanh nghiệp đó sẽ phát triển sản phẩm tương tự và cạnh tranh với doanh nghiệp có bí mật kinh doanh, công nghệ bị lấy cắp. Do đó, việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ cần được doanh nghiệp lưu tâm.
Một ví dụ điển hình: Anh A làm việc cho công ty B, phụ trách sản xuất sản phẩm cho Công ty B để cung ứng sản phẩm trên toàn quốc, anh B – là một nhân vật cốt cán trong ban quản lý sản xuất cho nên anh A nắm được những bí mật sản xuất, kinh doanh, công nghệ để tạo ra sản phẩm. Để đảm bảo anh A không tiết lộ bí quyết sản xuất sản phẩm, công ty B đề nghị anh A ký cam kết bảo mật thông tin về sản xuất và kinh doanh của công ty B.
Vấn đề thỏa thuận bảo mật thông tin theo Bộ luật lao động 2019
Vì tầm quan trọng của bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và sự sống còn của doanh nghiệp cho nên Điều 21.2 của Bộ luật Lao động cho phép người sử dụng lao động và người lao động giao kết bằng văn bản về việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ khi người lao động làm việc có liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong đó quy định (i) nội dung bảo mật, (ii) thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, và (iii) việc bồi thường trong trường hợp vi phạm. Do không có quy định cụ thể về các yếu tố trên của một văn bản thỏa thuận bảo mật cho nên việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, các nội dung thỏa thuận từ phía người sử dụng lao động đưa ra cũng nên hợp lý trong đó đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động. Về phía người lao động cũng cần ý thức được trách nhiệm bảo mật bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ cho người sử dụng lao động.
Theo Điều 118.2.đ của Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động cần quy định tại nội quy lao động các quy định về việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động. Lưu ý rằng người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan.
Trong trường hợp người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, khi đó, người sử dụng lao động có thể xem xét áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải theo Điều 125.2 của Bộ luật lao động 2019.
Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động về hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng theo quy định tại Điều 123.1 của Bộ luật lao động 2019.
Xuất phát từ tính chất quan trọng của bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ đối với doanh nghiệp, vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ đã được quan tâm và quy định tại Bộ luật lao động 2019 để người sử dụng lao động và người lao động có cơ sở thỏa thuận và cam kết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người sử dụng lao động và thể hiện trách nhiệm của người lao động đối với nơi họ làm việc.