Cơ sở pháp lý: Luật Doanh nghiệp 2020.
1. Khái quát về Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp được thành lập dựa trên sự góp vốn của ít nhất 3 cổ đông và không quy định về số lượng thành viên tối đa. Trong đó, vốn điều lệ của công ty sẽ được chia làm nhiều phần có giá trị bằng nhau. Các cá nhân hoặc tổ chức khi góp vốn vào công ty sẽ đăng ký mua cổ phần và được gọi là cổ đông. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp hạn chế chuyển nhượng. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân. (Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).
2. Các hình thức huy động vốn của Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp ưu việt nhất để huy động nguồn vốn nếu doanh nghiệp muốn phát triển và mở rộng với quy mô lớn. Không chỉ bao gồm vốn chủ sở hữu, của cổ đông, vốn của công ty cổ phần linh động và đa dạng. Công ty cổ phần được phát hành cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, dễ dàng trao đổi, chuyển nhượng. Các hình thức huy động vốn của Công ty cổ phần bao gồm:
2.1. Huy động vốn từ nguồn vốn góp ban đầu
Trong Công ty cổ phần, các cổ đông sáng lập là những người đặt các viên gạch đầu tiên để xây dựng công ty, do đó khi thành lập, nguồn vốn của công ty là phần vốn góp của các cổ đông sáng lập. Pháp luật quy định rằng các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp (khoản 2 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020). Như vậy, ở mức tối thiểu, các cổ đông phải cùng nhau nắm giữ 20% số cổ phần dự định phát hành, số cổ phần còn lại sẽ được phát hành để huy động đủ số vốn điều lệ. Việc huy đông đủ số vốn góp ban đầu sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững hơn khi tham gia vào thị trường và không phụ thuộc vào bên ngoài.
2.2. Huy động vốn từ việc chào bán cổ phần
- Chào bán cổ phần là một cơ chế đặc trưng của Công ty cổ phần. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ. Kết quả của việc chào bán cổ phần sẽ làm tăng vốn điều lệ của công ty trong trường hợp công ty đang hoạt động.
- Theo quy định tại Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020, chào bán cổ phần được thực hiện dưới các hình thức sau đây:
• Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu: Là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty. Cách huy động vốn này không làm tăng số lượng cổ đông của công ty song vẫn làm tăng vốn điều lệ. Đây là hình thức huy động vốn từ trong nội bộ công ty.
• Chào bán cổ phần riêng lẻ: Là một hình thức huy động vốn từ bên ngoài công ty nhưng mang tính riêng lẻ, dành cho công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng.
• Chào bán cổ phần ra công chúng. Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán. Hình thức này là hình thức huy động vốn từ bên ngoài một cách rộng rãi, hình thức huy động vốn này vừa làm tăng vốn điều lệ đồng thời cũng làm tăng số lượng cổ đông của công ty.
2.3. Phát hành trái phiếu
- Công ty cổ phần được phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác nếu đáp ứng một số điều kiện của pháp luật và điều lệ Công ty (khoản 3 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể, trong một thời gian xác định và với một khoản lợi tức quy định. Người mua trái phiếu của Công ty có thể là cá nhân, doanh nghiệp hoặc chính phủ. Các chủ thể sở hữu trái phiếu được coi là chủ nợ của Công ty.
- Trái phiếu chuyển đổi là trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phần vào một thời điểm xác định trước trong tương lai. Loại trái phiếu này với đặc điểm là được trả một mức lãi suất nhất định, có thể tổ chức phát hành với chi phí thấp, đồng thời có thể chuyển đổi thành vốn trong tương lai.
2.4. Huy động vốn từ tín dụng ngân hàng
Tín dụng ngân hàng là khoản vay với nhiều mức lãi suất và kỳ hạn vay khác nhau, hình thức tín dụng đã rất phổ biến từ lâu vì tính linh hoạt và dễ tiếp cận của nó, giải quyết các vấn đề tài chính tức khắc khi Công ty có nhu cầu. Tuy nhiên khi tiếp cận với các nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng, Công ty phải đảm bảo về tình hình tài chính lành mạnh, ổn định, có phương án sử dụng vốn khả thi và tài sản đảm bảo cho khoản vay đó.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers