Tùy thuộc vào đối tượng và tính chất của khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức giải quyết khác nhau để thu hồi nợ. Một số phương thức giải quyết có thể được kể ra như thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tranh tụng tại tòa án.
1. Phương thức thương lượng
Trong tất cả phương thức thu hồi nợ, sự tự nguyện thương lượng bằng thiện chí của hai bên luôn được nhìn nhận là phương pháp căn bản nhất và được ưu tiên áp dụng đầu tiên bởi tính chất đơn giản và sự rạn nứt, xung đột trong quan hệ giữa hai bên được giảm xuống đến mức tối thiểu, sự hợp tác tốt đẹp giữa hai bên được tiếp tục duy trì. Có thể thấy rằng tốt nhất là nên hoàn tất được việc thu hồi nợ ở trong giai đoạn còn khả năng áp dụng được phương thức tự đàm phán thương lượng nhằm duy trì cơ hội tiếp tục cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách nợ cũng như tránh được sự hao phí tài chính, thời gian và những tổn hại có thể xảy ra trong quá trình đòi nợ kéo dài.
Việc thương lượng thu hồi nợ thành công hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính và thiện chí của các bên, tuy nhiên, để tăng khả năng thu hồi được nợ, các doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:
(i) Chủ nợ nên liên hệ với người thu hồi nợ có kỹ năng giao tiếp khéo léo, kiên nhẫn, linh hoạt để trao đổi với người phụ trách công nợ hoặc người có thẩm quyền giải quyết công nợ yêu cầu giải quyết nợ.
(ii) Việc thương lượng có thể thực hiện thông qua các cách thức như liên hệ qua điện thoại, gửi thư yêu cầu thanh toán nợ hoặc gặp gỡ trực tiếp để yêu cầu, nhắc nhở thanh toán nợ.
(iii) Tránh gây xung đột, mâu thuẫn căng thẳng khiến việc thu hồi nợ không thành mà việc làm ăn hợp tác cũng không thể tiếp tục.
2. Phương thức hòa giải
Biện pháp tiếp theo được nói đến là phương thức Hòa giải với việc giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Nói cách khác hòa giải là quá trình các bên đàm phán với nhau về việc giải quyết tranh chấp với sự trợ giúp của một bên thứ ba độc lập với tên gọi chính thức là hoà giải viên. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại thì đây là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
Sự khác nhau giữa hai phương thức thương lượng với hòa giải là việc có mặt của hòa giải viên để giúp các bên trao đổi, tìm kiếm giải pháp giải quyết khoản nợ. Phương thức giải quyết hòa giải nhằm giữ được mối quan hệ giữa các bên vì phương thức này cũng đề cao tinh thần hợp tác, tự nguyện thỏa thuận và tính xây dựng của cả bên chủ nợ và bên nợ được thể hiện.
Cũng giống như phương thức thương lượng, việc hòa giải thành công hay không phụ thuộc nhiều vào thiện chí và khả năng tài chính của bên nợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý khi chọn giải pháp hòa giải, cụ thể:
(i) Chọn hòa giải viên, trung tâm hòa giải có uy tín và kiến thức, hiểu biết sâu rộng, kinh nghiệm và kỹ năng thực tiễn trong lĩnh vực tranh chấp;
(ii) Giữ tinh thần thiện chí, ôn hòa và linh động trong quá trình hòa giải để yêu cầu thanh toán nợ.
3. Phương thức trọng tài
Phương thức giải quyết tranh chấp này do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
Để thu hồi khoản nợ bằng phương thức giải quyết tại trọng tài thương mại, các doanh nghiệp cần lưu ý điều tiên quyết là các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Khoản nợ phải phát sinh từ hoạt động thương mại. Thông thường thỏa thuận trọng tài được các bên thỏa thuận thành một điều khoản trong hợp đồng thương mại giữa các bên. Khi có tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán, một bên đưa tranh chấp ra cơ quan trọng tài để giải quyết theo điều khoản trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có giá trị ràng buộc các bên. Khi có phán quyết trọng tài có hiệu lực giải quyết vụ án về khoản nợ, các bên có quyền yêu cầu thi hành án để thu hồi khoản nợ.
4. Phương thức Tòa án
Trong trường thương lượng không thành và hai bên không có thỏa thuận giải quyết tranh chấp công nợ tại cơ quan trọng tài, thì bên chủ nợ có thể khởi kiện bên nợ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu thanh toán nợ.
Khác với phương thức trọng tài, giải quyết theo phương thức tòa án sẽ có thể vụ án phải trải qua hai cấp xét xử là Sơ thẩm và Phúc thẩm. Khi có được bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án, chủ nợ có thể yêu cầu thi hành án để yêu cầu bên nợ trả tiền như bản án/quyết định đã tuyên.
Đối với phương thức giải quyết khoản nợ thông qua trọng tài hoặc tòa án, doanh nghiệp cần lưu ý chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đòi nợ là có căn cứ và hợp pháp.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers