Cập nhập: 20.01.2025

CẬP NHẬT TIN TỨC PHÁP LÝ SỐ 62, THÁNG 1 NĂM 2025

Kính Chào Quý Khách Hàng và Đối Tác,


ADK Vietnam Lawyers xin trân trọng giới thiệu đến quý vị Bản Tin Pháp Luật Số 62 của Tháng 01 năm 2025 với các quy định pháp luật mới có nội dung đáng chú ý sau:

1. Quy định mới về về Quỹ Hỗ trợ đầu tư

    Ngày 31/12/2024, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là “Nghị Định 182”), đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển công nghệ cao của đất nước. Nghị Định 182 quy định việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ Đầu tư – một công cụ tài chính tiên tiến nhằm tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp công nghệ cao.

    a. Quỹ Hỗ trợ đầu tư là gì?

    Quỹ Hỗ trợ đầu tư (sau đây gọi tắt là “Quỹ”) là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của Quỹ.

    b. Đối tượng áp dụng

    Đối tượng áp dụng hỗ trợ đầu tư gồm (i) doanh nghiệp công nghệ cao, (ii) doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, (iii) doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và (iv) doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.

    c. Tiêu chí và điều kiện nhận hỗ trợ

    • Về quy mô vốn và doanh thu:

    + Dự án đầu tư cần có quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm;

    + Các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chip, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo cần có vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc doanh thu 10.000 tỷ đồng/năm;

    + Dự án thiết kế vi mạch không yêu cầu về vốn, nhưng phải cam kết sử dụng 300 kỹ sư Việt Nam và đào tạo 30 kỹ sư chất lượng cao mỗi năm;

    + Dự án thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên không bị ràng buộc về vốn hoặc doanh thu.

    • Điều kiện giải ngân vốn:

    + Dự án mới phải giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng (hoặc 6.000 tỷ đồng cho lĩnh vực chip/trung tâm dữ liệu) trong 5 năm hoặc mức thấp hơn trong 3 năm;

    + Dự án đang hoạt động cần đạt mức giải ngân tương tự tùy theo việc điều chỉnh vốn.

    • Điều kiện doanh thu: Doanh thu của dự án công nghệ cao phải được hạch toán riêng và đáp ứng tiêu chí doanh thu tại năm tài chính đề nghị hỗ trợ.
    • Riêng đối với trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D):

    + Quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng, giải ngân ít nhất 1.000 tỷ đồng trong 3 năm;

    + Lĩnh vực hoạt động phải thuộc danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển.

    d. Mức chi hỗ trợ

    Mức hỗ trợ tối đa lên đến 50% chi phí thực tế phát sinh trong năm tài chính cho các hoạt động như R&D, đào tạo nhân lực, và phát triển sản phẩm. Riêng các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, và trí tuệ nhân tạo có thể nhận hỗ trợ tới 3% giá trị sản xuất gia tăng nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

    Nghị Định 182 không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Bằng cách đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, và xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao, Nghị Định 182 giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Đồng thời, các chính sách này hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy dòng vốn FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, như chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ các quy tắc về Thuế Tối thiểu Toàn cầu. Đây là bước đệm quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực và dẫn đầu trong kỷ nguyên số.

    Nghị Định 182/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày ký (31/12/2024)

      Tại Kỳ họp thứ 8, chiều 30/11/2024, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật Dữ liệu 2024 (sau dây gọi tắt là “Luật Dữ liệu”).

      Luật Dữ liệu được thông qua có 5 chương, 46 điều. Trong đó nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, đóng vai trò là “nguồn tài nguyên dùng chung” cho các bộ, ngành và địa phương. Dữ liệu sẽ được thu thập, cập nhật và đồng bộ hóa, giúp cải thiện hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tạo điều kiện phát triển các nền tảng công nghệ số.

      a. Các hoạt động được điều chỉnh

      Luật này điều chỉnh toàn bộ vòng đời dữ liệu, bao gồm thu thập, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, mã hóa, chuyển giao xuyên biên giới và cung cấp cho cơ quan nhà nước. Đặc biệt, lần đầu tiên, luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến dữ liệu, như Sản phẩm và Dịch vụ Trung gian Dữ liệu (tạo điều kiện cho các thỏa thuận trao đổi dữ liệu), Sản phẩm và Dịch vụ Phân tích, Tổng hợp Dữ liệu (cung cấp thông tin chuyên sâu), và Sàn Dữ liệu (hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và giao dịch dữ liệu).

      b. Đối tượng được điều chỉnh

      Luật áp dụng cho cá nhân, tổ chức, cơ quan Việt Nam và các tổ chức nước ngoài tham gia vào các hoạt động dữ liệu số liên quan đến Việt Nam. Lần đầu tiên, luật công nhận “quyền của chủ sở hữu dữ liệu đối với dữ liệu” như một quyền tài sản theo luật dân sự, trao cho chủ sở hữu dữ liệu (tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng và trao đổi giá trị của dữ liệu do mình sở hữu) quyền kiểm soát và trao đổi dữ liệu một cách toàn diện. Đồng thời, luật giới thiệu vai trò “chủ quản dữ liệu”, là bên được giao nhiệm vụ xử lý và vận hành dữ liệu thay mặt cho chủ sở hữu. Luật cũng đặt ra một số nghĩa vụ đối với chủ sở hữu dữ liệu, chủ quản dữ liệu, và các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

      c. Những quy định đáng chú ý

      • Cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước

      Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu cho cơ quan nhà nước. Trong một số trường hợp sau, việc cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước là bắt buộc và không cần chủ thể dữ liệu đồng ý nhưng phải đảm bảo sử dụng đúng cách, bảo mật, bảo vệ dữ liệu và xóa khi không còn cần thiết:

      + Ứng phó với tình trạng khẩn cấp;

      + Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp;

      + Thảm họa;

      + Phòng, chống bạo loạn, khủng bố.

      • Chuyển dữ liệu xuyên biên giới

      Về nguyên tắc, việc chuyển và xử lý dữ liệu xuyên biên giới được cho phép, kể cả chuyển dữ liệu cốt lõi hoặc quan trọng ra nước ngoài, tuy vậy phải tuân thủ các quy định đảm bảo an ninh, lợi ích công cộng và quyền dữ liệu.

      • Xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu

      Cơ quan nhà nước có trách nhiệm thiết lập cơ chế cảnh báo sớm và xây dựng các biện pháp bảo vệ dữ liệu. Chủ quản dữ liệu phải tự đánh giá, xác định và khắc phục rủi ro, đồng thời thông báo kịp thời cho các bên liên quan. Với dữ liệu cốt lõi và dữ liệu quan trọng, chủ quản dữ liệu phải định kỳ đánh giá rủi ro và thông báo cho cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan để phối hợp bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu.

      • Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu

      + Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu là các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp trong hoạt động trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, xác thực điện tử, sàn dữ liệu.

      + Tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu được hưởng ưu đãi như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp công nghệ số và có khả năng được nhận Quỹ Hỗ trợ đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 182/2024/NĐ-CP.

      + Tổ chức cung cấp Sản phẩm và Dịch vụ Trung gian Dữ liệu phải được đăng ký hoạt động và quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp cung cấp nội bộ.

      + Tổ chức kinh doanh Sản phẩm và Dịch vụ Phân tích và Tổng hợp Dữ liệu phải đăng ký nếu các hoạt động của họ gây ra rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức hoặc sức khỏe cộng đồng

      + Đáng chú ý, tổ chức cung cấp dịch vụ Sàn Dữ liệu là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ và được cấp phép thành lập theo quy định của pháp luật. Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều này.

      Luật Dữ liệu 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.

      3. Những thay đổi then chốt trong Luật Thuế GTGT 2024

        Ngày 26/11/2024, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Luật thuế giá trị gia tăng 2024 số 48/2024/QH15 (“Luật Thuế GTGT”) đã chính thức được thông qua. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, hướng đến mục tiêu minh bạch hóa và tối ưu hóa hiệu quả trong việc quản lý và thu thuế GTGT. Luật Thuế GTGT gồm 04 chương và 18 điều với sự kế thừa các quy định hiện hành và bổ sung một số nội dung quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới, giai đoạn của phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số.

        a. Mở rộng phạm vi áp dụng đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và các nền tảng số

        Theo đó, một số đối tượng kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử vẫn phải chịu thuế GTGT như sau:

        • Nhà cung cấp nước ngoài: là tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam kinh doanh thương mại điện tử hoặc qua nền tảng số. Tổ chức là nhà quản lý nền tảng số tại Việt Nam mua dịch vụ từ các nhà cung cấp nước ngoài, thực hiện khấu trừ và nộp thay thuế.
        • Nhà quản lý sàn thương mại điện tử/nền tảng số: Tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số cũng thuộc diện phải kê khai và nộp thuế GTGT. Động thái này nhằm tăng cường quản lý thuế, đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh.

        b. Miễn thuế GTGT đối với Hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng

        Theo quy định mới của Luật Thuế GTGT, mức doanh thu hàng năm không chịu thuế GTGT đối với các hộ kinh doanh cá thể đã được nâng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Đây là một thay đổi thiết thực nhằm giảm bớt gánh nặng hành chính và hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ phát triển thuận lợi hơn.

        Nội dung này có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

        c. Bổ sung điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào

        Luật Thuế GTGT đã bỏ quy định về mức giá trị hóa đơn tối thiểu (20 triệu đồng) bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Thay vào đó, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là điều kiện bắt buộc để khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho tất cả hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ một số trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.

        Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, cần bổ sung thêm hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung cấp dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu; phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có) như một trong những chứng từ khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

        Chính phủ sẽ quy định chi tiết về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử ở nước ngoài và một số trường hợp đặc thù khác. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các nền tảng số, đồng thời cũng đảm bảo các quy định pháp lý liên quan đến việc khấu trừ thuế trong thời đại kinh tế mới.

        d. Gỡ vướng mắc trong sai sót khi khấu trừ thuế đầu vào:

        Quy định về xử lý sai sót khi kê khai khấu trừ thuế đầu vào được sửa đổi theo hướng chi tiết hơn, cụ thể:

        • Trường hợp sai sót làm tăng thuế phải nộp hoặc giảm số thuế được hoàn: Người nộp thuế phải thực hiện khai bổ sung vào tháng, quý phát sinh sai sót, đồng thời nộp đủ số tiền thuế tăng thêm hoặc thu hồi số thuế đã được hoàn. Ngoài ra, người nộp thuế cũng phải nộp tiền chậm nộp (nếu có) vào ngân sách nhà nước.
        • Trường hợp sai sót làm giảm thuế phải nộp hoặc chỉ tác động đến số thuế GTGT còn được khấu trừ: Người nộp thuế phải thực hiện khai bổ sung vào tháng, quý phát hiện sai sót.

        Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/7/2025.

        Chúng tôi hy vọng rằng Bản tin Pháp Luật này có nhiều thông tin hữu ích.

        Trân trọng./.

        Contact