Cập nhập: 15.01.2025
Thực trạng chuyển nhượng dự án điện gió tại nước ta hiện nay
Không chỉ các dự án điện gió mà các dự án năng lượng tái tạo nói chung được chuyển nhượng ngày càng nhiều, song cũng không ít nhà đầu tư trong nước lợi dụng kẽ hở pháp lý sau khi dự án được phê duyệt lại chuyển nhượng làm xuất hiện tình trạng “lướt sóng dự án”, đồng thời gia tăng vấn nạn “xin – cho”, trục lợi các chính sách ưu đãi dành cho dự án năng lượng tái tạo. Hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam ồ ạt xin dự án đầu tư điện gió sau đó bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài nhằm kiếm lời vốn đã được cảnh báo từ trước nhưng nay thị trường chuyển nhượng dự án lại càng nhộn nhịp hơn hẳn.
Bản chất của các hình thức chuyển nhượng dự án điện gió chính là mua bán ưu đãi. Tức là để phát triển nguồn điện này thì có thể không cần đến ưu đãi đó. Việc chuyển nhượng dự án là xu thế phát triển bình thường của thị trường nhưng nếu không được kiểm soát chặt sẽ làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển và quy hoạch năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng. Xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm, không nắm vững chuyên môn phát triển dự án điện gió nhưng vẫn muốn đầu tư dự án với mục đích chuyển nhượng dự án để kiếm lời. Từ đó có thể dẫn tới tình trạng một dự án điện gió có thể được mua đi bán lại nhiều lần mà không thể triển khai.
Nguyên nhân chuyển nhượng nhiều dự án điện gió
Theo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho đến hết ngày 11/5/2020, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại. Một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần… cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê Út…
Có thể thấy rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay cũng cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy nên doanh nghiệp đầu tư trong nước thường ủng hộ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể hiệu quả hơn. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy… Do đó, việc kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho dự án và cho nhà đầu tư.
Rủi ro từ chuyển nhượng dự án đầu tư nhằm trục lợi
Khi tỷ trọng nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời) tăng lên tới một mức đủ lớn thì các sự cố đồng thời tại một số dự án do nguyên nhân khách quan, hoặc có chủ định – có thể gây tác động nghiêm trọng tới lưới điện quốc gia, làm ảnh hưởng tới khả năng cung ứng điện tại một khu vực địa lý lớn. Bên cạnh đó, việc cấp các giấy phép hoặc áp dụng các cơ chế hỗ trợ hiện nay chưa thật sự chặt chẽ và dễ dàng tạo ra sự ưu đãi bất thường mà từ đó, khi nhà đầu tư xin dự án với các ưu đãi bất thường, rồi chuyển giao quyền sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, thì lợi nhuận ngầm sẽ được tạo ra chính bởi các ưu đãi bất thường này, nhưng Nhà nước rất khó để xử lý khi phát hiện ra sai phạm, chưa kể những rắc rối về mặt pháp lý với nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Vấn đề chính trị và chủ quyền biên giới là vấn đề nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam và các nước khác. Không thể phủ nhận rằng các vấn đề liên quan đến chính trị luôn nhạy cảm đối với mỗi quốc gia, nhất là trong thời kỳ tranh chấp về chủ quyền biển đảo và tình hình Biển Đông giữa Việt Nam – Trung Quốc đang vô cùng “nóng”. Việc công khai hạn chế đầu tư ở một số địa bàn có vị trí địa chính trị nhạy cảm hoặc hạn chế đầu tư liên quan đến quốc tịch của nhà đầu tư, ngành nghề đầu tư… có thể gây nên tình trạng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia khác, ảnh hưởng tiêu cực đến các hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Các nhà đầu tư nước ngoài thường khó có thể tự nhận định đúng vai trò của dự án trong việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia tại Việt Nam. Đa số các nhà đầu tư đều có quan điểm cho rằng, chỉ những hành vi như buôn bán vũ khí, chất cháy nổ, thâu tóm, thu mua số lượng lớn bất động sản bằng con đường gian dối, “lách luật… thì mới được xem là ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia tại Việt Nam. Vì vậy, trên thực tế nhà đầu tư không nhận định đúng vai trò của dự án trong vấn đề an ninh, quốc phòng. Hầu như ở tất cả các trường hợp, cho đến khi nhận được công văn thông báo về việc không chấp thuận đề xuất dự án đầu tư vì lí do dự án có khả năng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa hiểu rõ được nguyên nhân dự án đầu tư bị từ chối cấp giấy phép. Điều này tiếp tục gây cản trở cho nhà đầu tư khi họ hoạch định chiến lược đầu tư mới, vì nhà đầu tư sẽ không biết khi nào dự án mới sẽ “bước lên vết xe đổ” của dự án đã bị từ chối cấp phép.
Giải pháp hạn chế hiện tượng chuyển nhượng dự án điện gió nhằm trục lợi
Thứ nhất, cần xây dựng hành lang pháp lý an toàn để thu hút đầu tư quốc tế
Nhiều nhà đầu tư lướt sóng dự án điện gió đa phần không có chuyên môn về năng lượng tái tạo hoặc không có đủ nguồn lực tài chính nhưng họ có thể xin phê duyệt được các dự án, song mục đích cuối cùng là chuyển nhượng nhằm kiếm lời. Hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều lỗ hổng nên việc ngăn chặn chuyển nhượng dự án nhằm trục lợi dương như không khả thi. Chúng ta không thể cấm việc chuyển nhượng dự án vì như vậy sẽ đi ngược lại chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường trong nước theo Luật Đầu tư 2020.
Hiện nay, có nhiều chính sách ưu đãi dành cho năng lượng tái tạo đó cũng là nguyên nhân dẫn đến xu hướng mua đi bán lại dự án điện gió. Giá điện tái tạo cũng là một trong những lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, thu hút không ít việc chuyển nhượng dự án. Song, bởi bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, có không ít dự án điện gió bị ngưng trệ nên nhiều nhà đầu tư trong nước nhanh tay bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng dự án khó kiểm soát như hiện nay, có thể áp dụng đấu thầu dự án ngay từ khi cấp phép chứ không để các nhà đầu tư trong nước xin cấp phép dự án. Đồng thời, cân nhắc kỹ giá mua điện tái tạo cũng như thời gian ưu đãi để ngăn tình trạng doanh nghiệp chạy đua với giá trong khi mục tiêu chính của nhà nước là phát triển năng lượng tái tạo lại không đạt được. Hoặc có thể quy định thời hạn triển khai dự án, cụ thể, đối với dự án được cấp phép đầu tư, địa phương quy định thời hạn triển khai dự án, nếu quá hạn sẽ tước giấy phép, thu hồi đất. Việc này sẽ tránh tình trạng mua đi bán lại dự án, gây lãng phí tài nguyên, trong khi các dự án điện tái tạo không được triển khai đến cùng. Muốn làm được như vậy, hệ thống pháp lý hiện hành cần bổ sung những quy định nhằm tránh rủi ro từ việc chuyển nhượng dự án điện gió cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ hai, chính sách phát triển bền vững, ổn định đối với năng lượng tái tạo hiện nay là điều cấp thiết
Theo dự thảo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2045 cần khoảng 3 triệu tỷ đồng đầu tư cho năng lượng tái tạo, tương đương 130 tỷ USD, hay bình quân 5,2 tỷ USD mỗi năm. Đây là nguồn vốn rất lớn. Không chỉ cần ngân sách quốc gia và vốn đầu tư của nhà đầu tư trong nước mà việc huy động vốn đầu tư nước ngoài là rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần chọn lọc nhà đầu tư có năng lực (cả trong và ngoài nước) nhằm tránh tình trạng “lướt song dự án” như đã nêu, thêm vào đó là sự tác động của việc thu hút đầu tư nước ngoài đến quốc phòng, an ninh quốc gia của từng khu vực, từng địa phương.
Hàng loạt chính sách phát triển dự án điện gió, cơ chế hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ về giá như Thông tư 02/2019/TT-BCT, Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BCT 2019, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, … và nhiều văn bản pháp lý khác đã thu hút không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam. Có thể thấy, việc cấp phép dự án năng lượng tái tạo hiện nay khá dễ dãi và chưa có các điều kiện hạn chế chuyển nhượng dự án/ cổ phần dự án ở các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh rõ ràng là “lỗ hổng” cấp thiết cần giải quyết trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, khi nhu cầu về năng lượng tái tạo của Việt Nam tăng, chúng ta cần tránh để một quốc gia khác nắm thị phần quá lớn trong lĩnh vực này.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công thương đang được hoàn chỉnh đã cơ bản khắc phục, bổ sung những thiếu sót về lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chúng và điện gió nói riêng, song chưa cân nhắc đến vấn đề an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, chúng ta cần thể chế hoá các quy định hạn chế chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng cổ phần dự án cần được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật, đây sẽ là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, hạn chế tối đa tình trạng xin cho, thiếu kiểm soát chất lượng nhà đầu tư như hiện nay.
Loại bỏ cơ chế “xin – cho” dự án, chọn lọc các nhà đầu tư trong và ngoài nước công bằng, lành mạnh sẽ hạn chế những rủi ro trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đối với an ninh năng lượng, an ninh môi trường và an ninh quốc phòng. Chuyển nhượng dự án điện gió cho nhà đầu tư nước ngoài nên được khuyến khích song chỉ ở mức độ giới hạn bởi những hạn chế chưa thể khắc phục được về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này ở nước ta hiện nay.