CHUYỂN NHƯỢNG VỐN TRONG DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
VÀ MỘT SỐ LƯU Ý
Việc chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát sinh khi nhà đầu tư đứng tên trên phần vốn góp của doanh nghiệp có nhu cầu chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho nhà đầu tư khác. Việc chuyển nhượng vốn này sẽ dẫn đến việc thay đổi tên người đứng tên trên phần vốn góp hoặc thay đổi tỷ lệ vốn góp trong công ty hoặc làm thay đổi cả hai nội dung trên.
Để thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn, bên cạnh việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng, nhà đầu tư còn phải đáp ứng điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin và thủ tục cần thực hiện khi nhà đầu tư tiến hành giao dịch chuyển nhượng vốn.
I. Một số khái niệm
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, do các nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thành lập hoặc tham gia góp vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.
II. Lưu ý về điều kiện để thực hiện chuyển nhượng vốn
Đối với nhà đầu tư thực hiện chuyển nhượng
Bên chuyển nhượng vốn phải đảm bảo đã góp đủ số vốn vào doanh nghiệp. Việc thực hiện đủ nghĩa vụ góp vốn được thể hiện thông qua văn bản xác nhận góp vốn hoặc báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Bên chuyển nhượng phải tuân thủ nguyên tắc chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH, chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020. Đặc biệt, cần lưu ý quy định về hạn chế đối với cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần. Cụ thể, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Đối với nhà đầu tư nhận chuyển nhượng
Trường hợp bên nhận chuyển nhượng là nhà đầu tư nước ngoài, cần đáp ứng các điều kiện tại Điều 24.2 Luật đầu tư 2020 bao gồm (i) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; (ii) Bảo đảm quốc phòng, an ninh; và (iii) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây:
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điều 23.1 Luật đầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
III. Thủ tục chuyển nhượng vốn
Để thực hiện chuyển nhượng vốn, các nhà đầu tư phải làm thủ tục chuyển nhượng vốn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Quy trình chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông thường được thực hiện qua 03 bước
Bước 1: Đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
Bên nhận chuyển nhượng là nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nếu thuộc một trong các trường hợp tại mục II nêu trên.
Để thực hiện, nhà đầu tư chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điểm 3 Mục 1 Công văn 8909/BKHĐT-PC năm 2020 bao gồm (i) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; (ii) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; và (iii) Văn bản thỏa thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và nộp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính. Thông thường, việc xử lý hồ sơ sẽ được thực hiện trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ hợp lệ.
Bước 2: Điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh
Do việc chuyển nhượng vốn dẫn đến thay đổi thông tin thành viên/cổ đông hoặc tỷ lệ vốn góp trong doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tiến hành thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Theo đó, tùy theo thông tin bị thay đổi sau giao dịch chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ tương ứng quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Trường hợp nhà đầu tư không thuộc đổi tượng phải đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, thủ tục này sẽ được thực hiện ngay khi diễn ra giao dịch vốn.
Bước 3: Điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Trường hợp dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
IV. Giá trong giao dịch chuyển nhượng vốn
Về giá chuyển nhượng: Nhà đầu tư có quyền thỏa thuận về giá chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng vốn nhưng phải phù hợp với mức giá trên thị trường. Theo quy định tại Điều 11.1.a Thông tư 111/2013/TT-BTC, trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
V. Tài khoản sử dụng trong giao dịch chuyển nhượng vốn
Đối với chuyển nhượng vốn giữa các nhà đầu tư trong nước, việc thanh toán giá trị chuyển nhượng diễn ra khá đơn giản và có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau. Tuy nhiên, để quản lý hoạt động đầu tư từ nước ngoài, giao dịch chuyển nhượng vốn trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng và phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, Điều 10.1.a của Thông tư quy định rõ việc thanh toán giá trị chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (i) không thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp trong trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư là người không cư trú hoặc giữa các nhà đầu tư là người cư trú; (ii) thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp trong trường hợp chuyển nhượng giữa nhà đầu tư là người không cư trú và nhà đầu tư là người cư trú.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về đồng tiền thanh toán trong giao dịch chuyển nhượng vốn. Cụ thể, việc định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư (i) giữa hai người không cư trú được phép thực hiện bằng ngoại tệ; (ii) giữa người cư trú và người không cư trú, giữa người cư trú với nhau phải thực hiện bằng đồng Việt Nam.
Từ các quy định trên có thể thấy, việc định giá, thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn giữa nhà đầu tư cư trú và không cư trú phải thực hiện bằng đồng Việt Nam và thông qua tài khoản DICA. Đối với các trường hợp còn lại (giữa những người cư trú hoặc giữa những người không cư trú) không thực hiện qua tài khoản DICA, các nhà đầu tư có thể thanh toán và nhận giá trị chuyển nhượng thông qua tài khoản thanh toán mở tại Việt Nam của nhà đầu tư theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà Nước.
Do đó, để xác định chính xác tài khoản thực hiện thanh toán trong giao dịch chuyển nhượng vốn, nhà đầu tư trước hết cần hiểu và xác định mình là người cư trú hay người không cư trú theo quy định tại Luật cư trú và các thông tư, nghị định hướng dẫn.
Lưu ý: Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng vốn dẫn đến tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này xuống dưới 51%, doanh nghiệp phải thực hiện đóng tài khoản DICA sau khi thực hiện xong việc thanh toán giá trị chuyển nhượng (Điều 5.6 Thông tư 06/2019/TT-NHNN).
Công ty Luật TNHH ADK Vietnam Lawyers