Trong quá trình cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh, ngoài những ngành nghề chung, một số ngành đặc thù mà để kinh doanh được thì cá nhân, tổ chức bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu về loại hình kinh doanh, vốn, giấy phép con,... theo quy định của pháp luật.
Để kinh doanh bất động sản, cá nhân, tổ chức cần đáp ứng một số yêu cầu sau.
Trước khi Luật đầu tư 2020 có hiệu lực (trước ngày 01/01/2021)
Theo quy định tại Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh bất động sản bắt buộc phải (i) thành lập doanh nghiệp, trừ trường hợp “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật” và (ii) có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng.
Do đó, vào thời điểm trước khi Luật đầu tư có hiệu lực (01/01/2021), doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định không dưới 20 tỷ đồng.
Sau khi Luật đầu tư 2020 có hiệu lực (từ ngày 01/01/2021)
Theo đó, điều kiện về vốn điều lệ đã bị bãi bỏ. Cụ thể theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”
Vậy, kể từ thời điểm Luật đầu tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cá nhân và tổ chức muốn kinh doanh bất động sản chỉ cần thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên.
Vốn pháp định có phải là vốn điều lệ?
Đây là 2 khái niệm khác nhau, mọi công ty thành lập đều bắt buộc phải có vốn điều lệ nhưng không phải công ty nào cũng cần vốn pháp định.
Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”
Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ định nghĩa về vốn pháp định, tuy nhiên ta có thể hiểu vốn pháp định là số vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Vốn pháp định sẽ được quy định rõ trên từng ngành nghề cụ thể và mang tính bắt buộc.
Có thể thấy điểm khác biệt cơ bản nằm ở chỗ, khi thành lập doanh nghiệp với ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định, các thành viên, cổ đông có thể góp, cam kết góp trong một thời gian nhất định trong phạm vi số vốn đã đăng ký (pháp luật không quy định một con số tối thiểu hay tối đa đối với vốn điều lệ). Tuy nhiên nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì phải góp đủ vào doanh nghiệp số vốn tối thiểu bằng số vốn quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành nghề đó.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
Tiến hành nộp 01 bộ hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở chính.
Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp - ngành nghề kinh doanh bất động sản mã VSIC 6810 (theo mẫu tại Nghị định 122/2020/NĐ-CP);
- Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty hợp danh), danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (đối với công ty cổ phần);
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên, cổ đông là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
- Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức;
- Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (Theo Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”);
- Giấy ủy quyền thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp (trong trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện) - kèm bản sao CMND hoặc căn cước của người được ủy quyền.
Thời hạn giải quyết: 03-05 ngày làm việc
Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Một số thủ tục khác doanh nghiệp cần thực hiện sau khi thành lập: Khắc con dấu cho doanh nghiệp, thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý, đăng ký tài khoản ngân hàng cho công ty…
Công Ty Luật ADK & Co Việt Nam Lawyers