Hiện trạng quảng cáo thuốc tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng dày đặc, thế nhưng đa phần điều kiện để được phép quảng cáo thuốc và nội dung quảng cáo chưa đáp ứng các quy định của pháp luật quảng cáo (quảng cáo trái phép). Nhằm tránh tình trạng các đơn vị quảng cáo thuốc quảng cáo sai phạm khi thực hiện hoạt động quảng cáo thì cần nắm rõ điều kiện và nội dung quảng cáo thuốc trên truyền hình.
Cơ sở pháp lý:
- Văn bản hợp nhất số 47/VBHN-VPQH 2018 về Luật Quảng cáo;
- Thông tư 09/2015/ TT-BYT.
1. Điều kiện quảng cáo thuốc trên truyền hình
- Thứ nhất, đơn vị quảng cáo phải đáp ứng điều kiện chung về quảng cáo thuốc theo quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BYT như sau:
(i) Nội dung quảng cáo phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, không có hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 Văn bản hợp nhất số 47/VBHN-VPQH 2018 về Luật Quảng cáo (“Văn bản hợp nhất số 47”).
(ii) Tiếng nói, chữ viết, hình ảnh trong quảng cáo phải bảo đảm ngắn gọn, thông dụng, đúng quy định tại Điều 18 Văn bản hợp nhất số 47. Cỡ chữ nhỏ nhất trong nội dung quảng cáo phải bảo đảm tỷ lệ đủ lớn để có thể đọc được trong điều kiện bình thường và không được nhỏ hơn tỷ lệ tương đương cỡ chữ Vntime hoặc Times New Roman 12 trên khổ giấy A4.
- Thứ hai, điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo thuốc: phải đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 4 Điều 20 của Văn bản hợp nhất số 47 và các quy định cụ thể khác như sau:
(i) Thuốc được phép quảng cáo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 09/2015/TT-BYT bao gồm:
• Thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc (khoản 5 Điều 7 Văn bản hợp nhất số 47);
• Trường hợp quảng cáo thuốc trên báo nói, báo hình thì thuốc phải có hoạt chất chính nằm trong danh mục hoạt chất thuốc và dược liệu được quảng cáo trên báo nói, báo hình quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 09/2015/TT-BYT.
(ii) Thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt;
(iii) Đơn vị quảng cáo thuốc phải cung cấp đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 09/2015/TT-BYT:
• Hồ sơ được làm thành 01 bộ gồm có các giấy tờ sau đây:
Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;
Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo trên truyền hình: 01 bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến trong đĩa hình, đĩa âm thanh, file mềm kèm theo 03 bản kịch bản dự kiến quảng cáo, trong đó miêu tả rõ nội dung, phương tiện dự kiến quảng cáo, phần hình ảnh (đối với báo hình), phần lời, phần nhạc;
Mẫu nhãn sản phẩm hoặc mẫu nhãn sản phẩm đã được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp pháp luật quy định nhãn sản phẩm phải được cơ quan y tế có thẩm quyền duyệt.
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế phê duyệt.
Giấy phép lưu hành sản phẩm do Cục Quản lý dược cấp hoặc quyết định cấp số đăng ký thuốc tại Cục Quản lý dược.
(iv) Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam của đơn vị đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm ủy quyền bằng văn bản.
2. Đơn vị quảng cáo phải tuân thủ các quy định nào về nội dung quảng cáo thuốc?
- Nội dung quảng cáo trên truyền hình phải đáp ứng đủ các thông tin như sau:
(i) Quảng cáo thuốc trên báo nói, báo hình phải thể hiện rõ ràng các nội dung chỉ định, chống chỉ định hoặc các khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt phải bảo đảm để người nghe, người xem có thể nghe hoặc đọc được đầy đủ, rõ ràng;
(ii) Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, màn hình chuyên quảng cáo:
• Nội dung quảng cáo có âm thanh: phải có thông tin như trên báo nói, báo hình;
• Nội dung quảng cáo không có âm thanh: phải có thông tin như trên sách, báo, tạp chí, tờ rời.
(iii) Trường hợp có nhiều trang/phân cảnh quảng cáo thì các trang/phân cảnh quảng cáo phải xuất hiện liên tiếp, dừng đủ thời gian để người xem có thể đọc được hết các thông tin thể hiện trên trang; trang, phân cảnh có nội dung thông tin sản phẩm phải đứng yên, không chuyển động để người đọc tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm.
(iv) Các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc: Chỉ định điều trị bệnh viêm gan do vi rút, các bệnh lạ mới nổi.
(v) Các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong quảng cáo thuốc bao gồm:
• Mô tả quá mức tình trạng bệnh lý hoặc công dụng của thuốc;
• Hình ảnh động vật, thực vật trong danh mục cần bảo tồn;
• Thông tin, hình ảnh tạo ra cách hiểu: sử dụng thuốc này không cần có ý kiến của thầy thuốc; sử dụng thuốc này hoàn toàn vô hại, không có tác dụng phụ, không có chống chỉ định, bảo đảm 100% hiệu quả.
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers