Cập nhập: 18.03.2025
Cơ sở pháp lý:
- Luật Trọng tài Thương mại 2010 (“LTTTM 2010”);
- Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 (“PLTTTM 2003”).
1. Trọng tài quy chế là gì?
Trọng tài quy chế (hay trọng tài thường trực) được quy định tại Điều 3.6 LTTTM 2010 như sau: “Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó”.
Trọng tài quy chế theo pháp luật Việt Nam được tổ chức dưới hình thức các Trung tâm trọng tài. Theo đó, Điều 23 LTTTM 2010 thì “ Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.”
Như vậy, trọng tài quy chế là các tổ chức được thành lập dưới dạng các trung tâm, tổ chức hoặc hiệp hội: có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có trụ sở cố định để hoạt động một cách thường xuyên; có điều lệ và quy tắc tố tụng trọng tài riêng; tồn tại độc lập với đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của một pháp nhân, trong đó dấu hiệu quan trọng nhất là có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình.
2. Trọng tài quy chế trong LTTTM 2010 và PLTTTM 2003
2.1 Giống nhau
(i) Điều kiện áp dụng: các bên phải có thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp;
(ii) Hình thức thỏa thuận trọng tài: điều khoản trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng bằng văn bản;
(iii) Các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu: tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự, hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định, một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
2.2 Khác nhau
Tiêu chí | Trọng tài quy chế (thường trực) | Hội đồng trọng tài được thành lập tại trung tâm trọng tài |
Phạm vi thẩm quyền | Quy định rõ ràng và có phạm vi rộng hơn, bao gồm: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài (Điều 2 LTTTM 2010). | Quy định không rõ ràng và phạm vi hẹp hơn: các hoạt động thương mại được quy định tại Điều 2.3 PLTTTM 2003. |
Chủ thể tranh chấp | Không giới hạn, miễn là các bên có thỏa thuận và tranh chấp này phát sinh từ hoạt động thương mại. | Tổ chức kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh. |
Hình thức thỏa thuận trọng tài | Các hình thức được coi là văn bản: – Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; – Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên; – Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên; – Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác; – Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận. (Điều 16.2 LTTTM 2010) | Các hình thức được coi là văn bản: Thoả thuận trọng tài thông qua thư, điện báo, telex, fax, thư điện tử hoặc hình thức văn bản khác thể hiện rõ ý chí của các bên giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài (Điều 9.1 PLTTTM 2003). |
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu | Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật (Điều 18.6 LTTTM 2010). (LTTTM 2010 đã bãi bỏ Khoản 4 Điều 10 PLTTTM 2003 vì luật mới có cho phép các bên thỏa thuận lại khi thỏa thuận trọng tài không rõ ràng, nếu không thỏa thuận được thì nguyên đơn có quyền lựa chọn (Điều 43.5 LTTTM 2010) nhằm ngăn chặn và giảm bớt tình trạng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc tình trạng không có cơ quan nào giải quyết tranh chấp) | Thỏa thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thoả thuận bổ sung (Điều 10.4 PLTTTM 2003). |
Điều kiện Tòa án từ chối thụ lý | Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được (Điều 6 LTTTM 2010). | Tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu (Điều 5 PLTTTM 2003). |
Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers