Cập nhập: 27.03.2025
Nhằm thực hiện mục tiêu “đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ” được đề ra theo Chiến lược sở hữu trí tuệ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng. Dựa trên số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ nhằm phục vụ cho việc báo cáo thường niên, riêng trong năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 60.929 đơn đăng ký nhãn hiệu, chiếm tỷ lệ hơn 80% trên tổng số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (bao gồm nhãn hiệu, sáng chế – giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý). Số liệu này cho thấy nhãn hiệu là đối tượng sở hữu công nghiệp được các tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm bảo hộ. Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ cũng kéo theo các tranh chấp nhãn hiệu phát sinh ngày càng đa dạng và phức tạp. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu tổng quan về tranh chấp nhãn hiệu và những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp nhãn hiệu.
I. Tổng quan về tranh chấp nhãn hiệu
1. Khái niệm nhãn hiệu
Căn cứ Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung) (“Luật SHTT”), nhãn hiệu được định nghĩa là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.” Theo đó, căn cứ Điều 72 Luật SHTT, để được bảo hộ thì nhãn hiệu phải đáp ứng các điều kiện chung bao gồm: (i) là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa và (ii) có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Các quy định nêu trên cho thấy rõ chức năng cốt lõi của nhãn hiệu là khả năng phân biệt, đồng thời, nhấn mạnh sự đa dạng và linh hoạt trong việc sử dụng các dấu hiệu để làm nhãn hiệu. Điều này có nghĩa là bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, từ màu sắc, hình ảnh, âm thanh đến các yếu tố khác, đều có thể được công nhận là nhãn hiệu.
2. Tranh chấp nhãn hiệu và hành vi xâm phạm
Từ khái niệm nêu trên, có thể hiểu tranh chấp nhãn hiệu là các mâu thuẫn, xung đột về quyền và lợi ích của một hoặc nhiều bên xoay quanh đối tượng sở hữu công nghiệp là nhãn hiệu. Dựa theo Điều 129 Luật SHTT, các loại tranh chấp nhãn hiệu có thể phát sinh từ một trong các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như sau:
Thứ nhất, hành vi sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
Thứ hai, hành vi sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
Thứ ba, hành vi sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
Thứ tư, hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
II. Những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp nhãn hiệu
1. Thu thập chứng cứ
Bước thu thập tài liệu chứng cứ là nền tảng quan trọng quyết định kết quả của tranh chấp nhãn hiệu. Theo đó, thuật ngữ “giám định sở hữu trí tuệ” thường được nhắc đến trong quá trình giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bởi tính chất đặc thù và phức tạp của loại tranh chấp này. Căn cứ Điều 40 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung) (“Nghị định 105”), cơ quan có thẩm giải quyết tranh chấp nhãn hiệu có quyền trưng cầu và chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu giám định sở hữu trí tuệ. Dựa vào số liệu thống kê về đơn yêu cầu giám định xâm phạm nhãn hiệu của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, có thể thấy số lượng đơn yêu cầu giám định nhãn hiệu gia tăng qua các năm. Việc này cho thấy các chủ sở hữu nhãn hiệu ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của nguồn chứng cứ này và có xu hướng sử dụng nguồn chứng cứ này để đưa ra ý kiến có lợi khi giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, cần chú ý rằng việc giám định nhãn hiệu không phải là một thủ tục pháp lý bắt buộc trong quá trình tố tụng giải quyết tranh chấp nhãn hiệu nhưng được khuyến khích thực hiện để đảm bảo tranh chấp được giải quyết một cách đúng đắn. Căn cứ Khoản 5 Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Khoản 5 Điều 201 Luật SHTT và Khoản 1 Điều 51 Nghị định 105, mặc dù kết luận giám định không đưa ra kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp nhưng nó vẫn được xem là một trong các nguồn chứng cứ thể hiện ý kiến chuyên môn một cách trung lập và đáng tin cậy để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề pháp lý khi giải quyết tranh chấp nhãn hiệu.
2. Các phương thức giải quyết
Thứ nhất, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm có thể tiến hành giải quyết tranh chấp với bên còn lại thông qua phương thức thương lượng, hòa giải trước khi đưa tranh chấp ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết bởi vì phương thức này giúp các bên vẫn duy trì được mối quan hệ kinh tế, đỡ tốn kém chi phí và không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý phức tạp. Tuy nhiên, các bên cần lưu ý rằng kết quả của việc thương lượng, hòa giải phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác, thiện chí của các bên. Đồng thời, phương thức này không có cơ chế để ràng buộc các bên thi hành sau khi đạt được thỏa thuận (trừ trường hợp các bên yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành) nên vẫn có rủi ro sau đó các bên phải tiếp tục đưa tranh chấp ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Bên cạnh đó, căn cứ Mục III.3 Điều 1 của Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 (“Quyết định 1068”), việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải được khuyến khích áp dụng để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, một phương thức khác cũng được khuyến khích áp dụng theo Mục III.3 Điều 1 của Quyết định số 1068 đó là giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng trọng tài. Theo đó, căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 198 Luật SHTT và Khoản 3 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền áp dụng biện pháp khởi kiện ra trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một trong các điều kiện tiên quyết để áp dụng phương thức giải quyết này đó là các bên phải có thỏa thuận trọng tài theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014. Thỏa thuận trọng tài này có thể lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp nhãn hiệu.
Thực tiễn hiện nay cho thấy phương thức giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng trọng tài chưa được các bên lựa chọn và áp dụng phổ biến. Bên cạnh các nguyên nhân như phán quyết trọng tài có thể bị Tòa án hủy, một số các biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng thì còn có thể xuất phát từ việc nguồn nhân lực của trọng tài có đầy đủ chuyên môn để giải quyết tranh chấp nhãn hiệu vẫn đang khan hiếm. Bằng chứng thể hiện ở việc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là một trong các trung tâm trọng tài lớn tại Việt Nam với số lượng Trọng tài viên lên đến 200 người nhưng trong đó chỉ có số lượng 19 Trọng tài viên hoạt động trong lĩnh vực sở hữu tuệ (chiếm tỷ lệ 9,5%).
Cuối cùng, phương thức truyền thống và được áp dụng phổ biến đó là giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng Tòa án. Theo đó, trong những năm gần đây, nhận thấy một số loại án có tính chất đặc thù đang ngày càng gia tăng và phức tạp, Tòa án nhân dân tối cao tại Mục V.3.3. của Tờ trình về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) (Dự thảo 4) và Điều 61, 62 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) (Dự thảo 5) đã bổ sung thêm quy định về Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (“Tòa án chuyên biệt”) để xét xử các các loại án có tính chất đặc thù đó, bao gồm Tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ. Đề xuất nêu trên của Tòa án nhân dân tối cao hiện đang được phần lớn Quốc hội tán thành và ủng hộ. Bên cạnh đó, tham khảo Công văn số: 561/TANDTC-TCCB ngày 05 tháng 6 năm 2024, có thể thấy Tòa án đang tập trung đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức và năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ. Như vậy, trong thời gian sắp tới, hệ thống Tòa án nhân dân của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển về chuyên môn và nhân lực để đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng.
III. Kết luận
Thực tiễn hiện nay cho thấy hầu hết các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đều có xu hướng bảo hộ nhãn hiệu. Do đó, số lượng nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ luôn chiếm tỉ lệ áp đảo so với các đối tượng sở hữu công nghiệp còn lại. Với số lượng nhãn hiệu đăng ký ngày càng tăng, tranh chấp nhãn hiệu càng trở nên đa dạng và thách thức hơn. Khi phát sinh tranh chấp nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm cần quan tâm đến việc thu thập chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình cũng như chứng minh hành vi xâm phạm của bên còn lại. Đặc biệt cần lưu ý đến một nguồn chứng cứ cực kỳ quan trọng có khả năng quyết định kết quả tranh chấp đó là kết luận giám định nhãn hiệu. Đồng thời, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm có thể cân nhắc, lựa chọn và áp dụng linh hoạt các phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài hay tòa án để giải quyết tranh chấp nhãn hiệu.
ADK VIETNAM LAWYERS