Nếu biên độ biến động trong thị trường chứng khoán, trái phiếu, tiền tệ, mỹ thuật, sưu tầm, bất động sản,… đã tạo ra khái niệm “đầu cơ” để mô tả các giao dịch tài chính rủi ro nhằm cố gắng kiếm lợi từ biến động ngắn hạn trong giá trị thị trường, thì với bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay và khi nhãn hiệu trên khía cạnh kinh tế đã trở thành “tấm giấy thông hành” để hàng hóa, dịch vụ dễ dàng xâm nhập vào thị trường, thuật ngữ “đầu cơ nhãn hiệu” bắt đầu hình thành và nhanh chóng trở thành hiện tượng phổ biến hơn bao giờ hết.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý 278.144 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu có chủ đơn là chủ thể Việt Nam (chiếm 92,9% tổng số đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp). Ngoài ra, theo thống kê của Cục SHTT, riêng năm 2020, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu (bao gồm cả nhãn hiệu quốc gia và nhãn hiệu quốc tế) được kết thúc thẩm định nội dung tăng 9,7% so với năm 2019, trong đó số văn bằng bảo hộ được cấp ra tăng 16,2%. Những số liệu nêu trên cho thấy số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu là rất lớn và tăng dần qua mỗi năm. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù chưa có một báo cáo thống kê hay một cuộc điều tra nào chính thức xác định chính xác về thực trạng sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký ở Việt Nam, thế nhưng, quan điểm của chúng tôi cho thấy rằng, không phải tất cả các nhãn hiệu đã đăng ký đều đang được sử dụng trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số lượng lớn nhãn hiệu đã đăng ký lại chưa bao giờ xuất hiện hoặc chưa đưa vào sử dụng trên thị trường. Điều này chứng tỏ nhãn hiệu đã đăng ký đang được sử dụng theo đúng nghĩa “sử dụng” theo luật quy định chỉ chiếm một tỉ lệ % thấp, thay vào đó là việc sử dụng giả cách để đầu cơ nhãn hiệu cho nhiều mục đích khác nhau mặc dù khả năng kiếm lợi nhuận có thể chưa thực sự rõ ràng.
1. “Sử dụng nhãn hiệu” hay sử dụng nhãn hiệu thực tế
Mặc dù quy định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhằm mục đích để chủ sở hữu/người sử dụng đưa sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu vào sử dụng trong thương mại được thể hiện rõ với khái niệm “sử dụng nhãn hiệu” theo quy định tại Điều 124.5 Luật SHTT, theo đó, chủ sở hữu hoặc người được sử dụng hợp pháp nhãn hiệu để (i) gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; (ii) lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ; và (iii) nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Bên cạnh đó, nhằm buộc các chủ sở hữu phải đưa nhãn hiệu đã đăng ký vào sử dụng theo đúng mục đích bảo hộ và loại bỏ các nhãn hiệu không được sử dụng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, Điều 95.1.[d] Luật SHTT quy định văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực nếu nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”. Như vậy, một nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ nếu không đưa vào sử dụng trên thực tế trong vòng năm năm liên tục thì hoàn toàn có khả năng bị yêu cầu chấm dứt dứt hiệu lực bởi bất kỳ bên thứ ba nào khác có đơn yêu cầu chấm dứt. Tuy nhiên, chính trường hợp loại trừ của quy định này đã tạo cơ hội cho các chủ thể “vượt mặt” pháp luật bằng cách sử dụng giả cách nhãn hiệu, ví dụ, chủ sở hữu chỉ cần đăng một vài bài quảng cáo về hàng hóa và nhãn hiệu trên các trang mạng xã hội là có thể đáp ứng điều kiện không phải chấm dứt hiệu lực, trong khi nhãn hiệu này vẫn không thực sự được sử dụng trong hoạt động thương mại thực tế.
Như vậy, với các quy định về nguyên tắc sử dụng nhãn hiệu hay cách thức loại bỏ nhãn hiệu không sử dụng vẫn không làm giảm thiểu được việc nhãn hiệu được bảo hộ chỉ là một Giấy chứng nhận và có tên trong sổ đăng bạ quốc gia, trở thành “bộ sưu tập nhãn hiệu” mà không hề xuất hiện trên thị trường. Vấn đề mấu chốt ở đây chính là khái niệm “sử dụng nhãn hiệu” không hoàn toàn bắt buộc phải hiểu là sử dụng nhãn hiệu một cách thực sự (genuine use or use in commerce), không tạo ra được cơ chế quản lý nhãn hiệu đưa vào sử dụng thực tế trên thị trường.
2. Từ sử dụng giả cách đến hành vi đầu cơ nhãn hiệu
Khi nguyên tắc sử dụng không có tính ràng buộc chặt chẽ, hiện tượng “đầu cơ nhãn hiệu” xảy ra như một xu thế tất yếu, hành vi sử dụng nhãn hiệu giả cách và đầu cơ nhãn hiệu nêu trên với mục đích cuối cùng là để bán các nhãn hiệu này cho những chủ thể có nhãn hiệu nhưng chưa đăng ký hoặc chủ thể chuẩn bị gia nhập vào thị trường.
Với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (“first to file”) quy định tại Điều 90.2 Luật SHTT, theo đó, đối với một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự dùng cho cùng hàng hóa/dịch vụ thì chủ thể nào nộp đơn yêu cầu bảo hộ sớm nhất thì được cấp văn bằng bảo hộ mà không yêu cầu bằng chứng về việc sử dụng hoặc ý định sử dụng tại thời điểm nộp đơn (hoặc cả khi gia hạn). Và khi trở thành chủ sở hữu của nhãn hiệu được bảo hộ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu thì chủ sở hữu có đặc quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu mà mình được bảo hộ. Do đó, nhiều người đã tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu dùng cho các hàng hóa/dịch vụ trong và ngoài nước chuẩn bị gia nhập thị trường Việt Nam hoặc đã hiện diện trên thị trường nhưng chưa đăng ký nhãn hiệu. Sau đó bằng cách thức sử dụng giả cách nhãn hiệu như nêu trên, các chủ thể này đã nắm trong tay hàng loạt nhãn hiệu được bảo hộ và việc của họ là đợi những chủ sở hữu thật sự đến đàm phán một cái giá “hợp lý” để được mua lại nhãn hiệu.
3. Kết luận.
Hiện tượng đầu cơ nhãn hiệu sẽ vẫn tồn tại nếu việc sử dụng nhãn hiệu giả cách vẫn còn tiếp diễn. Và điều kiện cho sự tiếp diễn trên chính là do các quy định pháp luật chưa có cơ chế xử lý các vấn đề liên quan đến yêu cầu sử dụng trên thực tế, quy mô hoặc hạn mức sử dụng tối thiểu của nhãn hiệu trong sản xuất, kinh doanh hay bằng chứng về việc sử dụng hoặc ý định sử dụng (bao gồm cả trường hợp gia hạn). Để giải quyết vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét đưa vào quy định về khái niệm “sử dụng nhãn hiệu giả cách” như một hành vi vi phạm để làm rõ hơn về “sử dụng nhãn hiệu thực tế”, đồng thời tạo cơ chế tự chứng minh khả năng sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu/người sử dụng trên thực thế đối với các nhãn hiệu trong quá trình đăng ký mới hoặc giải trình nguyên nhân và khả năng tiếp tục sử dụng khi gia hạn lại đối với những nhãn hiệu đã không còn sử dụng trên thực tế trong một thời gian nhất định. Điều này có thể giúp xóa sổ đăng ký và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
|
|