Cập nhập: 01.04.2025
Hiện nay, các dự án đầu tư ngày càng phát triển, theo đó nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng ngày một tăng cao. Tuy nhiên, do nguồn vốn sử dụng trong các dự án kinh doanh, đầu tư là vô cùng lớn, doanh nghiệp buộc phải huy động vốn thông qua việc vay từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài vay vốn từ các ngân hàng nhà nước, khoản vay nước ngoài cũng được các doanh nghiệp ưu tiên thực hiện, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Nhằm mục đích quản lý các khoản nợ nước ngoài, pháp luật Việt Nam hiện nay có những quy định riêng biệt và cụ thể đối với hoạt động vay vốn nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các quy định về điều kiện vay, trả nợ nước ngoài, đăng ký khoản vay, sử dụng tài khoản, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay,… Tuy các giao dịch này đã xảy ra khá phổ biến nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nắm được các quy định nói trên. Do đó, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thủ tục và lưu ý cơ bản khi thực hiện khoản vay nước ngoài để doanh nghiệp áp dụng và phòng tránh rủi ro pháp lý phát sinh.
Cơ sở pháp lý:
Thông tư 03/2016/TT-NHNN
Thông tư 12/2014/TT-NHNN
Nghị định 88/2019/NĐ-CP
1. Khái niệm khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh
Khoản vay nước ngoài bao gồm khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh và khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.
Theo định nghĩa tại thông tư 03/2016/TT-NHNN, khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là việc bên đi vay thực hiện vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ với bên cho vay nước ngoài. Do đó, khi doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam vay từ tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được xem là thực hiện khoản vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh và phải tuân thủ theo các quy định về vay, trả nợ nước ngoài.
2. Mục đích và điều kiện thực hiện khoản vay nước ngoài
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, bên đi vay chỉ được phép vay nước ngoài để phục vụ các mục đích (i) Thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài; (ii) Cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay mà không làm tăng chi phí vay.
Cần lưu ý, các phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và phù hợp với phạm vi giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của bên đi vay hoặc của doanh nghiệp mà bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp.
Ngoài ra, khi thực hiện khoản vay nước ngoài, bên đi vay cần đáp ứng các điều kiện sau:
Đối với khoản vay ngắn hạn nước ngoài
(i) Không được vay ngắn hạn cho các mục đích sử dụng vốn trung, dài hạn;
(ii) Phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thẩm định và chấp thuận theo quy định của pháp luật (trường hợp bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước).
Đối với khoản vay trung, dài hạn nước ngoài
(i) Trường hợp bên đi vay có dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, số dư nợ vay trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của Bên đi vay phục vụ cho dự án đó tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại giấy chứng nhận đầu tư;
(ii) Trường hợp bên đi vay vay nước ngoài để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư không được cấp giấy chứng nhận đầu tư, số dư nợ vay trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của bên đi vay không vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
(iii) Phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thẩm định và chấp thuận theo quy định của pháp luật (trường hợp bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước).
3. Đăng ký khoản vay
Không phải tất cả các khoản vay đều phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, theo quy định tại Điều 9 Thông tư 03/2016/TT-NHNN, khoản vay thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước bao gồm: (i) Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; (ii) Khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của Khoản vay là trên 01 năm; (iii) Khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên (trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 ngày kể từ thời điểm tròn 01 năm).
Lưu ý: Các khoản vay ngắn hạn nước ngoài (thời hạn tới 01 năm) không thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký khoản vay.
Thủ tục đăng ký khoản vay với Ngân hàng Nhà nước
Để thực hiện đăng ký khoản vay, bên đi vay chuẩn bị và gửi bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 03/2016/TT-NHNN gửi đến (i) Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) đối với các Khoản vay có kim ngạch vay trên 10 triệu USD và các Khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam; (ii) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi bên đi vay đặt trụ sở chính đối với các Khoản vay có kim ngạch vay đến 10 triệu USD.
Việc gửi hồ sơ đăng ký khoản vay phải được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ:
(i) Ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn hoặc ngày ký thỏa thuận rút vốn bằng văn bản (trong trường hợp các bên thỏa thuận việc rút vốn trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký và trước khi thực hiện rút vốn).
(ii) Ngày ký thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn.
(iii) Ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.
Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay trong thời hạn 12 ngày làm việc (trường hợp bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến); 15 ngày làm việc (trường hợp bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống) kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
Trường hợp chậm trễ trong việc đăng ký, bên đi vay là tổ chức có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại Điều 23.3.g Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
4. Tài khoản vay và trả nợ nước ngoài
Theo quy định pháp luật hiện hành, các giao dịch liên quan đến khoản vay nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài. Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài là tài khoản thanh toán của bên đi vay mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài và các giao dịch chuyển tiền khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài (Điều 24.1 Thông tư 03/2016/NĐ-CP).
Trường hợp bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp sử dụng (i) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) để thực hiện các khoản vay trung, dài hạn; (ii) DICA hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác (không phải DICA) để thực hiện các khoản vay ngắn hạn. Mỗi khoản vay ngắn hạn nước ngoài chỉ được thực hiện thông qua 01 ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản
Trường hợp bên đi vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài. Mỗi khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện qua 01 ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản.
Doanh nghiệp có hành vi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản tại Việt Nam để thực hiện vay, trả nợ nước ngoài có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 – 100.000.000 đồng.
Công ty Luật ADK Vietnam Lawyers