Cập nhập: 01.04.2025
1. Dịch vụ pháp lý thu hồi nợ của luật sư theo quy định của pháp luật
Trước bối cảnh ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị liệt kê vào ngành nghề bị cấm theo Điều 6.1.h của Luật Đầu tư 2020. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các cá nhân và doanh nghiệp thì không tránh khỏi việc phát sinh công nợ quá hạn. Do đó, các hoạt động thu hồi công nợ phải được cá nhân, doanh nghiệp tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Điều 22.2 của Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012, luật sư được (i) tham gia tố tụng; (ii) thực hiện tư vấn pháp luật, (iii) đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật, và (iv) thực hiện dịch vụ pháp lý khác. Khi luật sư tham gia hỗ trợ khách hàng trong việc thu hồi công nợ, khách hàng và công ty luật sẽ ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý. Theo đó, khách hàng ủy quyền cho luật sư tham gia đại diện tại các giai đoạn thương lượng thu hồi nợ, tham gia hòa giải tại trung tâm hòa giải hoặc khởi kiện bên nợ tại trung tâm trọng tài hoặc tòa án có thẩm quyền.
2. Kỹ năng của luật sư trong việc thu hồi công nợ cho khách hàng
Để thực hiện hiệu quả công tác thu hồi nợ cho khách hàng qua các giai đoạn từ thương lượng cho đến việc giải quyết vụ việc thu hồi nợ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, luật sư thu hồi công nợ cần sở hữu kiến thức chuyên môn tốt cũng như các kỹ năng mềm linh hoạt.
Thứ nhất, luật sư thu hồi nợ cần có kỹ năng nghiên cứu, xác minh và đánh giá hồ sơ công nợ của khách hàng. Khi nghiên cứu hồ sơ luật sư cần xác định một số vấn đề pháp lý sau:
(i) Xác minh tính pháp lý của khoản nợ dựa trên cơ sở các tài liệu, giấy tờ, chứng từ nợ được khách hàng cung cấp liên quan đến khoản nợ, ví dụ: khoản nợ là bao nhiêu, khoản nợ đã quá hạn bao lâu? bên nợ có xác nhận công nợ hay không?
(ii) Rà soát thông tin về bên nợ để biết về tình trạng hoạt động và khả năng trả nợ của bên nợ, ví dụ: bên nợ có còn hoạt động hay đã ngưng hoạt động? đã chuyển trụ sở đi nơi khác hay đã giải thể hay đã bị phá sản. Một số kênh/trang thông tin hữu ích phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin của bên nợ như cổng thông tin quốc gia về đăng ks doanh nghiệp: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx, trang thông tin của Tổng cục thuế – Bộ tài chính: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp hoặc tra cứu thông qua Google, mạng xã hội facebook, zalo, linkedin…
Thứ hai, luật sư thu hồi nợ cần có kỹ năng giao tiếp linh hoạt. Khi liên hệ qua điện thoại hoặc gặp gỡ trực tiếp với bên nợ để yêu cầu trả nợ, luật sư cần mềm mỏng, linh hoạt tùy từng tình huống để ứng xử phù hợp. Là người hiểu biết pháp luật và giúp đỡ các bên giải quyết công nợ bằng phương thức hợp pháp cho nên việc giao tiếp của luật sư với bên nợ cũng phải thể hiện được sự chuyên nghiệp, lịch sự nhưng hiệu quả. Đặc biệt, ý thức cao về giai đoạn thương lượng, nếu thương lượng thành công, luật sư có thể tiết kiệm được chi phí, thời gian cho khách hàng đồng thời đạt được mục tiêu thu hồi nợ được thành công nhanh chóng, luật sư phải là người tinh tế trong giao tiếp từ việc trao đổi thông tin lý do khoản nợ quá hạn cũng như tìm kiếm kế hoạch thanh toán cụ thể của bên nợ cho khách hàng. Lưu ý, luật sư không được dùng lời lẽ đe dọa, hống hách và thô lỗ với bên nợ.
Thứ ba, luật sư thu hồi nợ cần có kỹ năng viết email, văn bản chuyên nghiệp và thuyết phục. Thông qua việc trao đổi qua điện thoại hoặc gặp gỡ trực tiếp hoặc do khách hàng cung cấp, luật sư thu thập được địa chỉ email của bên nợ. Tận dụng ưu điểm của việc sử dụng email là nhanh chóng và thuận tiện trong việc theo dõi và yêu cầu trả nợ, luật sư cần viết email với lối viết rõ ràng, tập trung và cô đọng nhưng thể hiện được yêu cầu của luật sư và khách hàng trong việc mong muốn bên nợ trả nợ.
Kết hợp với việc gửi email, để tăng tính trang trọng và sự quan trọng của việc yêu cầu trả nợ, luật sư nên chuẩn bị và gửi văn bản chính thức yêu cầu bên nợ trả nợ cho khách hàng, trong đó, nội dung văn bản cần có các mục như (i) giới thiệu tư cách của luật sư trong vụ việc do khách hàng chỉ định, (ii) tóm tắt sự việc, (iii) yêu cầu của khách hàng và luật sư về việc bên nợ trả nợ và (iv) hậu quả pháp lý nếu bên nợ không thực hiện trả nợ thì khách hàng có thể khởi kiện hoặc biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, luật sư thu hồi nợ phải có kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và tranh tụng nếu vụ việc cần giải quyết tại Tòa án hay Trọng tài có thẩm quyền. Không phải vụ việc thu hồi công nợ đều thành công ngay từ giai đoạn thương lượng, có nhiều vụ việc vì nhiều lý do khác nhau như bên nợ mất khả năng thanh toán, bên nợ muốn chiếm dụng vốn hoặc bên nợ mâu thuẫn với chủ nợ mà không thể hòa giải. Khi đó, buộc luật sư phải chuẩn bị hồ sơ khởi kiện hoặc yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với bên nợ. Một khi vụ việc phải đưa ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, luật sư phải nắm chắc các bước và quy trình tố tụng cũng như khả năng tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng tại từng giai đoạn tố tụng.
Kỹ năng của luật sư đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ thu hồi nợ cho khách hàng. Người luật sư có chuyên môn tốt và kỹ năng thành thạo, chuyên nghiệp giúp công nợ được thu hồi nhanh chóng, đầy đủ, ít tốn kém cho khách hàng và cũng có thể giúp các bên tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác và kinh doanh như trước đây.