Theo Điều 2 của Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012 (“Luật Luật sư”), luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng). Điều 4 của Luật Luật sư quy định dịch vụ pháp lý của luật sư được cung cấp cho khách hàng bao gồm: (i) tham gia tố tụng; (ii) thực hiện tư vấn pháp luật, (iii) đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng, và (iv) thực hiện dịch vụ pháp lý khác. Có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam không phân chia cụ thể ngạch luật sư tư vấn hoặc luật sư tranh tụng. Tuy nhiên, trên thực tiễn, luật sư thường lựa chọn mức độ, lĩnh vực hành nghề chuyên môn hóa là tư vấn hoặc tranh tụng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Khi nói đến luật sư tranh tụng thì có thể hiểu luật sư thường tham gia vào công việc đại diện hoặc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự tại cơ quan tòa án/trọng tài/cơ quan thi hành án để giải quyết vụ kiện. Ngoài ra, tùy yêu cầu của khách hàng, luật sư tranh tụng cũng có thể đại diện khách hàng tham gia đàm phán, thương lượng ngoài tố tụng.
1. Chắc kiến thức chuyên môn pháp lý
Trước hết, luật sư tranh tụng cần có kiến thức chuyên môn pháp lý sâu và biết cách vận dụng kiến thức pháp lý vào quá trình giải quyết vụ án. Chuyên môn pháp lý là yếu tố then chốt không thiếu đối với luật sư nói chung và luật sư tranh tụng nói riêng. Việc vận dụng kiến thức vững vàng về chuyên môn vào từng vụ việc thực tế càng quan trọng hơn hẳn nên kỹ năng này được xem là kỹ năng “cứng” đối với luật sư bên cạnh các kỹ năng mềm. Luật sư tranh tụng giỏi là người phải chịu khó nghiên cứu, phân tích từ vấn đề từ một khối lượng lớn thông tin để nhận biết các rủi ro và đưa ra những giải pháp pháp lý đối với từng rủi ro cho khách hàng theo từng vụ việc.
Chuyên môn pháp lý của luật sư được thể hiện qua không chỉ khả năng nghiên cứu mà luật sư tranh tụng phải thể hiện qua quá trình giải quyết vụ việc và tranh luận tại phiên tòa. Tranh luận tại phiên tòa là quá trình thảo luận mà trong đó những người tham gia tố tụng lần lượt đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng để ủng hộ hoặc phản bác vấn đề đang được bàn luận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Khi tham gia tranh tụng tại Tòa án, ngoài những nội dung mà luật sư cần chuẩn bị để trình bày tại Tòa, họ phải lường trước được những tình huống có thể xảy ra khi nhận được sự phản biện từ bên còn lại. Trong quá trình tranh tụng, luật sư cần phải nhanh nhạy nắm bắt cơ hội khi bên đương sự kia có những sự mâu thuẫn trong luận điểm của mình hoặc những tình tiết có lợi cho thân chủ của mình trong vụ án.
2. Kỹ năng mềm linh hoạt, văn minh
Bên cạnh kiến thức pháp lý tốt, luật sư tranh tụng cần trang bị cho mình những kỹ năng “mềm” để hoạt động tranh tụng đạt hiệu quả tối ưu nhất. Kỹ năng mềm có thể hiểu là các kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, phù hợp, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử trong giao tiếp với khách hàng, bên đối tụng và cơ quan nhà nước.
Thứ nhất, luật sư tranh tụng cần có kỹ năng giao tiếp tốt được thể hiện dưới hình thức nói và viết. Khi trình bày quan điểm trong quá trình tranh tụng, luật sư cần diễn đạt dễ hiểu, đầy đủ nhưng súc tích ý kiến của mình để các bên, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng hiểu rõ. Lưu ý, luật sư nên sử dụng từ ngữ phù hợp, nói rõ ràng và giữ được phong thái bình tĩnh, tự tin, lịch sự xuyên suốt quá trình tiến hành tố tụng. Kết hợp với kỹ năng nói, luật sư tranh tụng cần phải có khả năng viết thuyết phục và chuyên nghiệp. Bởi để có thể truyền đạt được ý kiến và quan điểm của mình một cách gãy gọn và đầy đủ, luật sư cần phải có sự chuẩn bị trước các luận điểm bằng văn bản. Những nội dung được thể hiện trong văn bản phải được viết rõ ràng, tập trung và cô đọng nhưng cần đầy đủ thể hiện được quan điểm của luật sư muốn trình bày. Chú ý rằng, những lập luận mà luật sư muốn đề cập tới phải được kết nối chặt chẽ với các quy định của pháp luật hiện hành để luận cứ của mình được vững chắc và có giá trị pháp lý.
Thứ hai, luật sư tranh tụng cần sử thành thạo trong việc vận dụng các công cụ hỗ trợ giải quyết vụ tranh chấp, đặc biệt là các thiết bị công nghệ, Việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại hỗ trợ cho luật sư là tất yếu. Thông thường, các công việc của luật sư nói chung và luật sư tranh tụng nói riêng hầu hết gắn liền với các công việc văn phòng như soạn thư tư vấn, bản luận cứ bảo vệ khách hàng tại các phiên xét xử, tra cứu tư liệu, viết email … Do đó, luật sư tranh tụng cần thuần thục kỹ năng sử dụng các công cụ hỗ trợ này để thuận tiện trong quá trình hỗ trợ khách hàng giải quyết tranh chấp.
Thứ ba, luật sư tranh tụng cần có kỹ năng thương lượng, đàm phán, hòa giải. Kỹ năng này có sự kết hợp giữa kỹ năng giao tiếp, ứng xử và hiểu biết pháp luật và các lĩnh vực khác có liên quan. Ngày nay, xu hướng các doanh nghiệp mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án để vừa giải quyết được tranh chấp mà vẫn giữ được mối quan hệ làm ăn với đối tác và giúp tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, luật sư tranh tụng cần lưu ý trau dồi kỹ năng và chuyên môn để:
(i) Xây dựng lòng tin ở các bên;
(ii) Phân tích các góc độ khác nhau của vấn đề mà các bên đang tranh chấp để họ có cái nhìn rộng hơn;
(iii) Luật sư nên chú ý vào lợi ích của các bên bằng cách đặt bản thân mình vào khách hàng để đưa ra những phương án hòa giải phù hợp;
(iv) Luật sư cần chuẩn bị nhiều phương án để đáp ứng và dung hòa lợi ích của các bên;
(v) Sử dụng lời lẽ, ứng xử chuẩn mực trong quá trình làm việc với các bên và cơ quan nhà nước.
Là người hiểu biết pháp luật, các luật sư tranh tụng trong quá trình đàm phán nên giữ cho mình một phong thái làm việc chuyên nghiệp cư xử khéo léo để quá trình thương lượng diễn ra thuận lợi. Nếu như quá trình hòa giải tiền tố tụng thành công thì các bên không phải mất nhiều thời gian và công sức để tham gia vào tố tụng tại Tòa án.
Để trở thành luật sư tranh tụng giỏi, ngoài nền tảng pháp luật vững chắc thì các kỹ năng cơ bản trên đây đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ các luật sư hành nghề tố tụng. Người luật sư hội tụ đủ yếu tố chuyên môn tốt và kỹ năng thành thạo sẽ giúp quá trình tố tụng diễn ra thuận lợi đồng thời quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sẽ được bảo vệ một cách toàn diện.
Công ty luật ADK & Co. Vietnam Lawyers.
tải bản đầy đủ