ADK Lawyers trân trọng giới thiệu đến quý khách hàng và đối tác một bài viết của Luật sư thành viên Hồ Thị Trâm có tiêu đề: “Lơ là chuyện đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu nước ngoài cũng gặp khó ở Việt Nam” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 08/7/2021 với nội dung như sau:
"Câu chuyện thứ nhất: Một cá nhân Việt Nam thường xuyên tìm kiếm sản phẩm nước ngoài trên các trang mạng điện tử và tìm thấy một sản phẩm rất hữu ích nhưng ở Việt Nam chưa có. Người này đặt mua về và sau thời gian nghiên cứu sản phẩm, người này quyết định thành lập công ty, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng cho sản phẩm và tiến hành sản xuất. Do là sản phẩm thiết thực nên sản phẩm dễ dàng vào các cửa hàng và các trang thương mại điện tử của Việt Nam.
Ngay khi phát hiện sản phẩm giống với sản phẩm của mình, công ty nước ngoài đã liên hệ yêu cầu công ty Việt Nam dừng hành vi xâm phạm nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp này. Tuy nhiên, công ty Việt Nam phản hồi rằng đó là sản phẩm của mình vì đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Câu chuyện khác: Một thương hiệu của nước ngoài với quy trình sản xuất sản phẩm bài bản đã được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu cho một số quốc gia khác. Tại Việt Nam, công ty nước ngoài này cũng đã cấp quyền sử dụng độc quyền (Hợp đồng li-xăng độc quyền) cho một công ty Việt Nam. Trong Hợp đồng li-xăng nêu rõ tên công ty nước ngoài và công ty Việt Nam, tuy nhiên, tại mục ký tên bên phía công ty Việt Nam chỉ có chữ ký và không có đóng dấu. Trong ba năm đầu của Hợp đồng li-xăng, công ty Việt Nam trả phí sử dụng đầy đủ cho công ty nước ngoài. Công ty Việt Nam theo đó đã sản xuất sản phẩm theo công thức được chuyển giao và bán sản phẩm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hơn một năm sau đó công ty Việt Nam không trả phí sử dụng nhãn hiệu, công ty nước ngoài đã nhiều lần yêu cầu nhưng công ty Việt Nam từ chối trả phí mà không nói rõ lý do. Công ty nước ngoài sau khi điều tra mới phát hiện ra công ty Việt Nam đã tự đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam cho mình và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam nên họ từ chối trả phí sử dụng nhãn hiệu.
Đó là hai trong số những câu chuyện mà một số công ty nước ngoài gặp phải liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp (“SHCN”) tại Việt Nam. Và tất nhiên hành trình giải quyết tranh chấp quyền SHTT của các công ty nước ngoài tại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn.
Nhãn hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam có phải đăng ký bảo hộ?
Việt Nam hiện có Luật sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (“Luật SHTT”), quy định nhóm đối tượng thuộc quyền SHCN bao gồm (i) sáng chế, (ii) kiểu dáng công nghiệp, (iii) thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, (iv) nhãn hiệu, (v) chỉ dẫn địa lý. Nhóm này chỉ được bảo hộ quyền SHCN nếu các đối tượng đó có nộp đơn đăng ký với cơ quan có thẩm quyền SHCN và được cấp văn bằng bảo hộ.
Đồng thời, Việt Nam cũng là thành viên của các Hiệp định đa phương, song phương như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS), Thỏa ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu năm 1891, được sửa đổi năm 1979, Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid năm 1989 của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) và các Hiệp định song phương khác. Do đó, khi công ty nước ngoài muốn bảo hộ quyền SHCN tại Việt Nam, họ có quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ tại cơ quan SHCN của Việt Nam hoặc đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid để yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam theo quy định của các Hiệp định mà Việt Nam cũng là thành viên. Riêng đối với những nhãn hiệu nổi tiếng, quyền SHCN được xác lập trên cơ sở sử dụng, vậy nên không bắt buộc phải đăng ký đối với loại nhãn hiệu này.
Như vậy, cũng tương tự các thương hiệu của Việt Nam ra nước ngoài, các thương hiệu nước ngoài muốn được bảo hộ tại Việt Nam cũng phải nộp đơn đăng ký bảo hộ để tránh trường hợp bị người khác đăng ký bảo hộ hoặc xâm phạm.
Một điểm cần lưu ý, thủ tục đăng ký nhãn hiệu được thực hiện theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Như vậy, nhãn hiệu nước ngoài sẽ có thể không được cấp văn bằng bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đã được một doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài khác đăng ký trước. Đối với nhãn hiệu nước ngoài nổi tiếng, tuy không phải thực hiện thủ tục đăng ký nhưng để có thể được bảo hộ tại Việt Nam nếu bị xâm phạm thì chủ sở hữu nhãn hiệu đó cũng phải chứng minh được mức độ sử dụng phổ biến của nhãn hiệu.
Bảo vệ quyền SHTT nhìn từ góc độ pháp luật Việt Nam
Nếu cho rằng quyền SHTT của mình bị xâm phạm, chủ sở hữu quyền này có thể áp dụng các quyền tự bảo vệ như (i) yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại, (ii) yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm và cũng có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước về SHTT để yêu cầu giải quyết, hoặc (iii) khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền SHTT có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Điều 203 của Luật SHTT.
Bên cạnh đó, Việt Nam có Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN có quy định các hành vi, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả nhằm mục đích xử lý các hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.
Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 của Việt Nam cũng có quy định về tội xâm phạm quyền SHCN, theo đó, người cố ý xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính thì có thể bị phạt tiền, phạt tù. Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ một đến ba năm.
Rõ ràng, vấn đề đăng ký bảo hộ và xử lý vi phạm trong lĩnh vực SHCN đã được pháp luật Việt Nam điều chỉnh. Tuy nhiên, con đường khiếu nại/khởi kiện thường mất thời gian và tốn kém nhưng chưa chắc chắn có kết quả theo mong muốn nếu như chứng cứ chứng minh không đủ vững chắn. Do đó, khi muốn phát triển thương hiệu trong nước cũng như thị trường quốc tế, sự chủ động nộp đơn đăng ký bảo hộ là giải pháp pháp lý tiên quyết để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho chủ sở hữu quyền SHTT, tránh trường hợp rơi vào thế bị động."