Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ 2019”) có một số điểm mới về nội quy lao động (“NQLĐ”), người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) cần nắm bắt và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
1. Chủ thể bắt buộc ban hành nội quy lao động
Khác với Bộ luật lao động 2012 quy định chỉ doanh nghiệp sử dụng từ 10 NLĐ trở lên phải ban hành NQLĐ thì BLLĐ 2019 hiện hành quy định NSDLĐ phải ban hành NQLĐ, nếu sử dụng từ 10 NLĐ trở lên thì NQLĐ phải bằng văn bản.
Như vậy, có thể hiểu rằng theo BLLĐ 2019, tất cả mọi NSDLĐ đều phải ban hành NQLĐ. Trường hợp có dưới 10 NLĐ thì có thể ban hành NQLĐ bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Trường hợp có từ 10 NLĐ trở lên thì bắt buộc phải ban hành NQLĐ bằng văn bản.
2. Nội dung chủ yếu trong nội quy lao động
Theo Bộ luật Lao động 2019 có 9 nội dung bắt buộc trong NQLĐ phải có:
i. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
ii. Trật tự tại nơi làm việc;
iii. An toàn, vệ sinh lao động;
iv. Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
v. Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của NSDLĐ;
vi.Trường hợp được tạm thời chuyển NLĐ làm việc khác so với HĐLĐ.
vii. Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của NLĐ và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
viii. Trách nhiệm vật chất;
ix. Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
So với BLLĐ 2012 thì NQLĐ theo BLLĐ 2019 có thêm 3 nội dung mới nêu tại mục (iv) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; (vi) Trường hợp được tạm thời chuyển NLĐ làm việc khác so với HĐLĐ và (ix) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
3. Đăng kí nội quy lao động
Theo BLLĐ 2019, NSDLĐ sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký NQLĐ, còn sử dụng dưới 10 NLĐ thì không phải đăng ký NQLĐ.
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký NQLĐ là cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh, tức là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp huyện (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội) thực hiện việc đăng ký NQLĐ.