MỘT SỐ LƯU Ý TRONG GIAO DỊCH MUA BÁN TÀU BIỂN KHÔNG SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI
1. Nguyên tắc mua bán tàu biển
Việc mua, bán tàu biển là hoạt động đầu tư đặc thù; quy trình, thủ tục mua, bán tàu biển được thực hiện theo quy định tại Nghị định 171/2016/NĐ-CP về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển (“Nghị định 171/2016”) và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Tàu biển được mua, bán phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo đảm lao động hàng hải và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
2. Hình thức mua bán tàu biển
Hình thức mua, bán tàu biển sử dụng vốn khác (không phải vốn nhà nước) do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự quyết định.
3. Quy trình mua bán tàu biển
Việc mua bán tàu biển sử dụng vốn khác (không phải vốn nhà nước) do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự quyết định quy trình thực hiện.
4. Những điều cần lưu ý sau khi giao dịch mua bán hoàn tất
Khi tàu biển Việt Nam được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thì chủ tàu phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký tàu biển Việt Nam sau khi giao dịch mua bán hoàn tất, vì lúc này điều kiện để tàu được mang cờ quốc tịch Việt Nam là “Chủ tàu có trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam” đã không còn thỏa mãn, theo quy định tại Điều 20.1.đ Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015.
Thành phần hồ sơ xóa đăng ký tàu biển Việt Nam bao gồm:
(i) Tờ khai xóa đăng ký theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 171/2016;
(ii) Giấy chứng nhận đăng ký (bản chính); trường hợp giấy chứng nhận đăng ký bị mất, chủ tàu phải khai báo và nêu rõ lý do;
(iii) Trường hợp tàu biển đang được thế chấp thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của người nhận thế chấp và phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp trước khi tiến hành thủ tục xóa đăng ký tàu biển.
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan đăng ký tàu biển nơi tàu biển đã được đăng ký trước đây bằng hình thức gửi trực tiếp, thông qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác. Thủ tục xóa đăng ký phải được thực hiện chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ khi chủ tàu không còn trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, tức là trong vòng 30 ngày kể từ ngày tàu được chuyển quyền sở hữu sang cho bên mua là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cơ quan đăng ký tàu biển cấp giấy chứng nhận xóa đăng ký trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và trả thực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính; trường hợp không cấp giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Chủ tàu nộp lệ phí xóa đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính, nộp trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký tàu biển trước khi nhận kết quả; chịu toàn bộ chi phí gửi hồ sơ, văn bản và các chi phí liên quan đến chuyển khoản.
Sau đó, bên mua tàu có thể làm thủ tục để xuất khẩu tàu đi nước ngoài, việc kiểm tra thực tế đối với tàu biển xuất khẩu được thực hiện tại cảng biển của Việt Nam nơi tàu biển làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài để bàn giao.
ADK VIETNAM LAWYERS
Tải bản đầy đủ.