HOẠT ĐỘNG THU HỒI NỢ LÀ GÌ?
Thu hồi nợ là yêu cầu khách nợ thanh toán cho chủ nợ các khoản tiền/tài sản đến hạn/quá hạn mà khách nợ phải trả cho chủ nợ theo hợp đồng hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đây là một trong những nghiệp vụ chuyên môn mà các luật sư, công ty luật có thể hỗ trợ khách hàng. Hoạt động này không chỉ đơn thuần là yêu cầu khách nợ phải thanh toán nợ cho khách hàng, đây còn là việc giúp khách hàng có một chiến lược thu hồi nợ hiệu quả nhất. Đồng thời trong quá trình làm việc và với sự đồng ý của khách hàng, nhiều phương thức chuyên môn khác cũng có thể được áp dụng để giúp việc thanh toán nợ diễn ra nhanh chóng.
CÁC TRƯỜNG HỢP THU HỒI NỢ THƯỜNG GẶP
Trên thực tế, tất cả các khoản thanh toán đến hạn hoặc quá hạn thanh toán đều được xem là nợ và cần được thu hồi. Tuy nhiên, đối với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp thì các khoản nợ có thể bao gồm các khoản chậm trả như chậm thanh toán hợp đồng, chậm thanh toán lãi hay chậm thanh toán tiền phạt hợp đồng, ...
CÁC CHẾ TÀI CÓ THỂ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI VIỆC CHẬM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THANH TOÁN THEO HỢP ĐỒNG
Buộc thực hiện đúng hợp đồng
Theo quy định tại Điều 297 Luật Thương mại 2005, “Buộc thực hiện đúng hợp đồng” là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. Trong thực tiễn, một bên có thể buộc bên còn lại thực hiện đúng hợp đồng thông qua hình thức gửi thông báo, thư điện tử hoặc các hình thức khác mà các bên thỏa thuận cụ thể theo hợp đồng.
Về mối quan hệ giữa chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng và các chế tài khác, pháp luật hiện hành quy định, trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm.
Trong quá trình đàm phán để yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng hoặc tìm ra giải pháp giải quyết khoản nợ tồn đọng, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án tố giác hành vi của bên vi phạm với cơ quan công an dưới hình thức một tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự nhằm gây sức ép cho đối phương trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy phương án này không phải lúc nào cũng có hiệu quả như mong muốn. Theo đó, để việc tố giác mang lại hiệu quả, người tố giác phải cung cấp các bằng chứng về hành vi bị tố giác của người bị tố giác. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Điều 156 Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người nào bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù đến 01 năm.
Phạt vi phạm hợp đồng
Pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép các bên bị vi phạm trong hợp đồng có thể yêu cầu bên vi phạm thanh toán một khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng. Cụ thể, Điều 300 Luật Thương Mại 2005 quy định “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận”. Về vấn đề này, Điều 418 Bộ Luật Dân Sự 2015 cũng nêu “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”.
Tuy nhiên, khác với chế tài yêu câu bồi thường thiệt hại như được nêu tại phần bên dưới, chế tài phạt vi phạm hợp đồng không phải là loại chế tài phát sinh tự động. Theo quy định tại Điều 300 Luật Thương Mại 2005, bên bị vi phạm chỉ có thể yêu cầu khoản tiền phạt vi phạm nếu hợp đồng đã ký giữa các bên có điều khoản cho phép phạt vi phạm hợp đồng.
Về mức phạt vi phạm hợp đồng, Luật Thương Mại 2005 và Bộ Luật Dân Sự 2015 có những quy định không thống nhất. Trong khi Bộ Luật Dân Sự 2015 cho phép các bên tự thỏa thuận về mức phạt vi phạm mà không đưa ra bất kỳ giới hạn trần nào thì Luật Thương Mại 2005, mặc dù vẫn cho phép các bên ấn định trước mức phạt vi phạm theo sự thỏa thuận, lại quy định thêm rằng mức phạt vi phạm mà các bên thỏa thuận không được vượt quá 8% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm.
Bồi thường thiệt hại
Khi một chủ thể vi phạm gây thiệt hại như vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây thiệt hại thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại này được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 302 trong Luật Thương mại 2005, theo đó: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”.
Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Theo quy định hiện hành, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế;
- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại
Bên bị vi phạm nếu muốn yêu cầu bên vi phạm thanh toán các khoản tiền bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm có nghĩa vụ phải chứng minh các khoản thiệt hại của mình, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Ngoài ra, trước khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
CÁC VẤN ĐỀ VỀ TIỀN LÃI DO CHẬM THANH TOÁN
Ngoài ra, khi một bên chậm thanh toán theo cam kết tại hợp đồng, ngoài các khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại như đã trình bày, bên còn lại có thể yêu cầu thêm tiền lãi do chậm thanh toán. Theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Quy định trên đề cập tới lãi chậm trả và có phạm vi điều chỉnh là “chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác” đối với những quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương Mại 2005.
CÁC BƯỚC THU HỒI NỢ
Các biện pháp cơ bản sau được áp dụng đối việc việc thu hồi nợ:
- Hoà giải, thoả thuận: là phương thức mà chủ nợ (có thể thông qua các luật sư, chuyên viên pháp lý) sẽ trực tiếp đàm phán, thương thảo, thuyết phục, đề nghị phía khách nợ để họ đưa ra và thống nhất kế hoạch thanh toán nợ cho chủ nợ.
- Tố tụng tại Toà án/Trọng tài: là phương thức sẽ áp dụng trong trường hợp khách nợ không có thiện chí làm việc, cố ý lẩn tránh, thoái thác trách nhiệm, hoặc có kế hoạch thanh toán nhưng thanh toán chậm, thanh toán kéo dài và “nhỏ giọt”.
Thời hạn giải quyết, thu hồi nợ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng trong đó, hai yếu tố chủ yếu và quan trọng nhất là tính pháp lý của hồ sơ và khả năng thanh toán của khách nợ.
CÁC GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ TRONG QUÁ TRÌNH THU HỒI NỢ XẤU HIỆU QUẢ TẠI VIỆT NAM
Quản lý nợ là một khâu hết sức thiết yếu đối với sự tồn tại và thành công của công ty. Tuy nhiên nhiều công ty vẫn chưa thực sự có nguồn lực và cách thức để thu hồi nói riêng và hạn chế nói chung những khoản nợ một cách hiệu quả nhất. Dưới đây là một số khuyến nghị của chúng tôi:
- Soạn thảo một chính sách chi trả rõ ràng để hạn chế những vấn đề phát sinh: yêu cầu khách hàng ký thoả thuận, quy định việc thanh toán bắt buộc phải thực hiện đúng hạn và nêu rõ mức phạt khách hàng phải chịu nếu thanh toán chậm.
- Thể hiện ngày cụ thể trong hợp đồng. Cụm “hạn chót thanh toán vào ngày dd/mm” sẽ mang tính khẳng định hơn hẳn cụm “thanh toán trong vòng xx ngày”.
- Thiết lập một quy trình thu hồi nợ rõ ràng: Xác định rõ cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm làm việc với các khách hàng cũng như quy định rõ thời gian, cách thức cho việc gửi thư nhắc nhở hay các cuộc gọi điện thoại. Các nhân viên cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc thu hồi nợ chứ không chỉ đơn thuần coi đó là một việc kiêm nhiệm. Ngoài ra, nếu có thể thì việc có một hệ thống giúp theo dõi các khoản nợ chưa thanh toán theo chu kỳ.
- Email nhắc nhở thường xuyên. Cũng nên lưu ý rằng email yêu cầu thanh toán cho khách hàng thay vì gửi qua đường bưu điện để rút ngắn được quá trình thu hồi.
- Khi một khách hàng trễ thanh toán quá lâu, ngừng việc gửi email hay thư từ nhắc nhở vì có thể chúng không còn hiệu quả nữa. Thay vào đó một cuộc gặp mặt trực tiếp là rất cần thiết.
- Chỉ nên làm việc với người có khả năng quyết định việc chi trả. Nếu công ty không thể gặp trực tiếp người đó, hãy trình bày thật ngắn gọn mục đích của cuộc họp hay cuộc gọi và hạn chót thanh toán. Hãy yêu cầu người đó ghi chú lại thông tin cuộc gọi và xác nhận lại thông tin.
- Luôn giữ bình tĩnh và chuyên nghiệp.
- Đòi hỏi cam kết chính xác. Đừng để khách hàng kết thúc cuộc họp bằng cách thoái thác “Tôi sẽ gửi trong vài ngày tới”. Công ty nên yêu cầu con số chính xác vào một thời gian chính xác. Sau đó lập lại các cam kết để xác nhận, tránh mọi nguy cơ hiểu lầm và sau cuộc gọi gửi một email xác nhận nội dung.
- Luôn luôn lưu trữ dưới dạng tài liệu văn bản mọi giao dịch, nội dung liên hệ của công ty với khách hàng như email, thư, cuộc gọi,… Những nội dung này sẽ là bằng chứng hữu ích nếu công ty quyết định thực hiện thủ tục tố tụng tại Tòa án về sau.
- Thuê một Công ty Luật có nghiệp vụ thu hồi nợ. Nếu công ty cảm thấy không an toàn, hãy liên hệ cho luật sư của mình để họ làm việc với khách hàng đó.
- Cân nhắc việc khởi kiện tại Tòa án với những khách hàng chậm thanh toán quá lâu.
TRÁCH NHIỆM KHI CHẬM THANH TOÁN TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Từ năm 2013 cho đến 2017, ước tính các công ty nhập khẩu nước ngoài không thanh toán hoặc thanh toán chậm cho các công ty xuất khẩu của Việt Nam 6 tỷ USD. Việc thu hồi các khoản nợ, các khoản chậm thanh toán là vô cùng khó khăn cho các công ty xuất khẩu tại Việt Nam.
Thông thường, các hợp đồng thương mại quốc tế thường có điều khoản lựa chọn luật áp dụng của nước nhập khẩu. Đối với các đối tác ngoại là những doanh nghiệp lớn, công ty Việt Nam ít có khả năng đàm phán điều khoản chọn luật áp dụng cũng như điều khoản chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc các bên chọn giải quyết tranh chấp tại nước người nhập khẩu hoặc nước thứ ba (có thể là Singapore hoặc Anh) là một bất lợi lớn cho người bán Việt Nam do chi phí tố tụng tại những quốc gia này thường rất cao. Trong trường hợp đàm phán thay đổi để yêu cầu bên mua áp dụng luật Việt Nam cho hợp đồng hoặc lựa chọn tòa án Việt nam làm cơ quan giải quyết tranh chấp quá khó chấp nhận, bên bán Việt Nam có thể chọn phương án là qua các hệ thống trung gian. Cụ thể, các bên có thể áp dụng các công ước quốc tế, ví dụ Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), và cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài quốc tế, ví dụ SIAC (Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore).
Tải bản đầy đủ.